Wednesday, May 19, 2021

MÙA XUÂN ĐÃ TRỞ LẠI TRÊN MISSISSAUGA 2021

MÙA XUÂN ĐÃ TRỞ LẠI TRÊN MISSISSAUGA 

3 tuần lễ đầu tháng 5 2021 Mississauga (Ontario) đã thật sự thấy mùa xuân.  Những ca nhiễm Covid-19 trong tuần lễ vừa qua ở Ontario cho thấy Ontario đã qua đỉnh của cơn dịch quái ác này, và mùa xuân đã trở lại.



Thursday, April 22, 2021

Khi xã hội đồng lòng nói dối

 

Khi xã hội đồng lòng nói dối
phản hồi Kiều Thị An Giang

Theo Nhịp Cầu Thế Giới Online “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật là sự dối trá”

Đến nay thì cô bé ấy đã là một sĩ quan cảnh sát của CHLB Đức, được đào tạo chính quy tại chính mảnh đất này, nơi em đã sinh ra và lớn lên. Mình không bao giờ quên những ngày này cách đây hơn chục năm, khi N. được mẹ cho quay trở về Hà Nội, bắt đầu đi học từ năm lớp năm để chuẩn bị cho công cuộc hồi hương. Phải kể sơ qua về hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt của N. mới hiểu tại sao, mặc dù được sinh ra ở Đức, có quốc tịch Đức, em lại về Việt Nam. Mẹ em sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân đã gia nhập đoàn quân 40 ngàn người sang xuất khẩu lao động tại CHDC Đức thời thập niên 80, rồi trong một lần về phép, chị cưới người yêu cũ, một sĩ quan ngành an ninh. Cuộc tình của họ sẽ không có gì đáng nói nếu không có vụ Bức Tường Sụp Đổ. Một đằng là tư bản vốn đang giãy chết trói quá chặt, một đằng là ngành an ninh không cho phép nhân viên của mình xuất cảnh, dù chỉ là đi du hí đôi ngày, đôi Ngưu Lang Chức Nữ thời @ cứ sống cảnh chồng Đông vợ Tây như thế suốt ba thập kỷ. Ba đứa con lần lượt ra đời sau những lần về phép. N. cũng như các em đều đi học trường Đức. Học lịch sử German, văn hóa Goethe, xài luật Đức. Nhưng rồi cũng đến lúc cha mẹ các em tính đến chuyện phải quay trở về, vì bố mẹ không thể xa nhau suốt cả cuộc đời. Rất nhiều thống kê cho thấy, trẻ em Việt Nam học tại quê nhà có điểm số vượt trội hơn hẳn trẻ em sống ở nước ngoài. Điều đó tất nhiên chúng ta có quyền tự hào, theo một khía cạnh nào đó. Nhưng sự rắc rối nhất không nằm ở đây. N. là một cô bé rất thông minh. Em nói và viết tiếng Việt như người Việt vì từ lúc sinh ra hè nào mấy mẹ con cũng về Việt Nam với bố. Vấn đề rắc rối nằm ở chỗ, em luôn nói những gì mình nghĩ, phản ứng tất cả những gì trái với chính kiến của em. Giáo dục Đức hoàn toàn khác với giáo dục Việt Nam. Ở Đức, trẻ em có quyền nói tất cả những gì mà chúng nghĩ và không ai quy tội như thế là “vô lễ”, “mất dạy”. Chúng chỉ được dạy dỗ để làm một người lịch sự, có giáo dục, nhưng không ai bắt chúng phải lễ độ theo kiểu nói những gì thầy cô muốn được nghe. Con bé xinh xắn, rạng rỡ, hiếu động và tự tin bao nhiêu thì ở môi trường Việt Nam, lại càng là cái gai trong mắt giáo viên bấy nhiêu. Mẹ N. tâm sự, vấn đề lớn nhất không phải là con bé không hòa hợp được, mà là, con chị... không biết nói dối như các bạn. Không đi học thêm, N. bị cô giáo cố tình chấm điểm sai, em lên gặp Ban Giám hiệu, bị “đì” là hớt lẻo. Bạn cóp bài, em phản ứng, bị tố là phản bội. Em phản ứng và thắc mắc những gì trái với những điều em được học ở Đức một cách rất hồn nhiên ngây thơ, cô giáo cho em là “mất dạy”, vì trò không được phép hỏi vặn cô như thế. Em bị cô lập ở chính nơi người ta dạy dỗ em bằng tiếng mẹ đẻ. Cứ thế, sau hai tháng, N. bỏ học, tuyệt thực và bố mẹ phải cho em quay trở lại Đức. Mình nhớ hồi học lớp Hai, một lần “cấp trên” xuống kiểm tra, thế là cả trường nhốn nháo tổng vệ sinh rất rôm rả. Chúng mình tham gia tích cực lắm. Đang hoan hỉ sung sướng thì cô giáo dặn: “Không em nào được nói hớ một câu gì nhé. Chỉ cần lỡ mồm “trường mình hôm nay sạch thế” là chết rồi! Nếu có ai hỏi, các em phải nói là trường mình ngày nào cũng quét dọn y như hôm nay!”. Hồi đó, mình may mắn được học một thế hệ các thày cô rất ôn hòa, mực thước, tuy đời sống hết sức đạm bạc nhưng đều cố gắng tôn trọng, giữ gìn phẩm cách của nhà giáo. Suốt cả quãng thời gian cắp sách, trong mình chỉ là những hồi ức êm đềm, tràn ngập lòng biết ơn kính trọng đối với các thầy cô. Nhưng “bài học nói dối đầu tiên” ấy, mình vẫn ghi nhớ đến tận bây giờ. Nó là vết gạch đầu tiên lên tờ giấy trắng ngây thơ của tâm hồn con trẻ. Tuy không có gì to tát nhưng cũng là một hạt sương buồn giữa vùng trời ấm áp mang tên nghề giáo. Bài học nói dối ấy chỉ là một hạt cát trên sa mạc nếu đem so với vụ nói dối tập thể của giáo viên và học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên. Khoan nói đến động cơ bị thúc ép, bị vận động, sợ bị đuổi học, bị nghỉ dạy... v.v, nói dối là nói dối. Chỉ từ chiếc taxi đâm gẫy chân em học sinh lớp hai tại sân trường, đến những tờ khảo sát trơ trẽn và láo xược, cho chúng ta thấy, Ban Giám hiệu trường Nam Trung Yên đang thách thức pháp luật, thách thức lương tâm của không chỉ gia đình nạn nhân, mà còn của toàn thể học sinh và phụ huynh trường Nam Trung Yên cũng như tất cả chúng ta. Sự phẫn nộ của công luận và tiếng nói của lương tâm, dù là yếu ớt, đã khiến nhiều cô giáo bắt đầu rời khỏi trò chơi “nói dối tập thể” mà họ đã hoặc đang tham dự. Lương tâm, cần bắt đầu bằng sự chiến thắng nỗi sợ hãi. Sự việc đến đây như thế nào, hồi kết chắc không có gì bất ngờ nữa. Trừ khi có cái ô thật to, phong bì thật dầy, vụ việc mới có thể chìm xuống như vụ bảy năm trước, “hiệu trưởng ăn cắp Tạ Thị Bích Ngọc” vẫn ung dung tại vị và chỉ sau khi bị cáo buộc có bằng chứng tái phạm mới được nhẹ nhàng thuyên chuyển đi nơi khác, tiếp tục rao giảng đạo đức cho cả một thế hệ. Thầy cô dối trá và ăn cắp, sẽ sản sinh ra những lớp học trò như thế nào? Họ hành nghề được và tiếp tục dạy dỗ con em chúng ta, chính là vì sự im lặng và thỏa hiệp trong đó có phần đóng góp không nhỏ của mỗi phụ huynh. Được đào tạo chính quy tại Đức, N. sẽ trở thành một sĩ quan cảnh sát, một nghề được tuyển chọn cực kỳ khắt khe chỉ dành cho những thanh niên ưu tú về phẩm cách, khỏe mạnh về thể chất và vượt qua được những cuộc trắc nghiệm tâm lý cũng như kiến thức. Nhưng, một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của ngành cảnh sát Đức đó là lý lịch phải tuyệt đối trong sạch: không trộm cắp và không dối trá! Nếu hồi đó, cô bé xinh đẹp này hội nhập được vào môi trường của xã hội Việt, tức là biết im lặng để yên thân, biết chấp nhận nói dối tập thể để khỏi bị cô lập, thì nước Đức đã không có một gương mặt nữ cảnh sát hiếm hoi gốc Việt. Nói dối chưa bao giờ dễ đến như thế ở Việt Nam. Vì người ta đồng lòng nói dối, rủ nhau nói dối. Một cá nhân nói dối thì lương tâm còn nhúc nhích nhưng cả tập thể nói dối thì lại là sự đoàn kết nhất trí cao. Mọi giá trị bị đảo lộn, mọi khái niệm đều bị đánh tráo. Chúng ta không còn niềm tin vào bất cứ điều gì, bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình. Trong một xã hội dối trá, người nói thật sẽ bị coi là kẻ phản bội. Trẻ em Việt Nam cần được quyền nói lên điều mà chúng nghĩ. Các em có quyền làm văn hồn nhiên coi mèo là bạn mà không sợ bị cô giáo cho điểm kém. Chúng cần được dạy cách miêu tả sự việc như mắt chúng trông thấy từ chính những nhà giáo biết nhận biết và đánh vần hai chữ “sự thật”, thay vì bắt buộc phải uốn lưỡi không nhìn thấy cái xe taxi to hơn con trâu cán gãy xương bạn ngay trên sân trường như thế nào. Nếu hôm nay đi học, chúng mới chỉ bị dụ dỗ điểm chỉ vào tờ khai dạy nói dối tập thể thì lớn lên, chúng tất sẽ sáng chế ra những siêu phẩm mang tên dối trá. Không chỉ nói dối để yên thân, bao che cho lợi ích nhóm, chúng còn nói dối để ru ngủ cả một đám đông giống như những con đà điểu ngờ nghệch tự rúc đầu vào cát để lừa dối chính mình và bầy đàn. Con cháu chúng ta còn phải nghe những phiên bản dối trá cũ mèm như biển bị đầu độc sau mấy tháng đã tự làm sạch, không có cái gọi là đàn áp nhân quyền và đất nước ta nhìn chung, đã bao giờ được như thế này chưa, điều đó hoàn toàn phụ thuộc ở thái độ của chính chúng ta, hôm nay. Nói thật rất dễ vì bạn không bao giờ lo sợ bị phát giác.

Kiều Thị An Giang, từ Berlin (CHLB Đức)
Chủ đề: Chính trị - xã hội, Giáo dục đào tạo Từ khóa: Kiều Thị An Giang, dối trá
Nguồn: danluan.org

Wednesday, March 24, 2021

‘Người lạ’ giữa dàn đồng ca

 

‘Người lạ’ giữa dàn đồng ca
Nguyễn văn Thọ

Hai kẻ tập tọng viết văn, một họa sĩ cũng là nhà nghiên cứu triết học. Cả ba gầy gò, đen đủi, mặt mũi y như gã bơm xe đầu ô cuốc bộ đến quán thịt chó.

 



Saturday, March 20, 2021

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã qua đời

Tin trên BBC tiếng Việt

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ra đi, để lại nhiều cảm xúc trân trọng
20 tháng 3 2021

Trích:

Nguyễn Huy Thiệp, một trong những nhà văn được đánh giá cao nhất trong lịch sử Việt Nam sau 1975, đã qua đời.

Ông nổi tiếng lần đầu với truyện ngắn Tướng về hưu, viết năm 1987 khi 37 tuổi trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu đổi mới.

Friday, March 19, 2021

Có phải xã hội Việt Nam đang chỉ tiền hơn là nhân quyền và dân chủ? Võ Ngọc Ánh

 Tin trên BBC tiếng Việt

Có phải xã hội Việt Nam đang chỉ tiền hơn là nhân quyền và dân chủ?

Võ Ngọc Ánh Gửi bài từ Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ
18 tháng 3 2021

Trích:

Những năm qua, Việt Nam không ngớt săn tìm để được giao thương, học hỏi kỹ thuật, tiếp thu giáo dục, công nghệ từ các nước Phương Tây, nhưng lại tìm cách khước từ giá trị dân chủ, nhân quyền mà các quốc gia này đưa đến.

Một điều dễ thấy những năm quá, các đối tác kinh tế, công nghệ, giáo dục của Việt Nam đến từ các quốc gia dân chủ lại thường không phải là đồng minh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Wednesday, March 17, 2021

Sư thầy cầm nhang đuổi nữ phật tử chụp ảnh phải tạm thời rời chùa Hưng Khánh

Tin trên soha.vn

Đôi giòng: Nhìn mặt nhà sư này thấy giống mặt côn đồ! 

Sư thầy cầm nhang đuổi nữ phật tử chụp ảnh phải tạm thời rời chùa Hưng Khánh


PV | 17/03/2021 10:22 AM

Trích:

Trước đó, tháng 4/2019, sư Thích Bản Phúc đã bị Giáo hội phật giáo Hải Phòng kỷ luật vì dọa thả chó cắn nát mặt phật tử và uống bia trong chùa.

Saturday, March 6, 2021

Thành công và yêu quý (tham khảo)

 

Thành công và yêu quý

Tôi ngồi cùng phòng với đồng nghiệp da trắng, tóc vàng, xinh như diễn viên Hollywood. Cô bảo tôi, phụ nữ ở Mỹ thích làm gì chả được.

Nhưng hóa ra không phải.

Lần đầu đặt chân tới Mỹ, được tham gia khóa đào tạo kỹ năng cần thiết trước khi vào chương trình chính thức, tôi gặp cô giáo trẻ người Mỹ, khi ấy sắp có con đầu lòng.

Mấy chị em cô lớn lên cùng văn hóa Disney, đều nghĩ cuộc đời như phim cổ tích. Nghĩa là sẽ lấy ai như hoàng tử, có hoa hồng rải trên mỗi bước chân ở đất nước được coi là ưu việt hàng đầu thế giới.

Nhưng, khi cô sắp sinh con, công việc dạy học tạm thời trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Đôi vợ chồng trẻ còn đối mặt với khoản nợ học phí đại học hàng trăm nghìn USD phải trả cho chính phủ và chi phí sinh hoạt.

Ở Mỹ, nếu có công việc chính thức có bảo hiểm, các công ty thường cho nhân viên nữ nghỉ đẻ 6 tuần. Nhưng cô giáo tôi không được chế độ đó vì làm công việc tạm thời. Nghỉ đẻ với cô gần như sẽ bị mất việc. Ông sếp còn bảo, cô phải tự đi nhờ đồng nghiệp làm thay việc của mình trong thời gian nghỉ chứ lãnh đạo không đứng ra thuê người mới.

Lúc chúng tôi tới nhà chơi, cô kể mình mới khóc với bố mẹ "sao bố mẹ không bảo con trước về những trở ngại đối với phụ nữ khi sinh con?".

Vấn đề là không riêng cô giáo tôi, khi làm nghiên cứu của mình, tôi chứng kiến không ít phụ nữ ở Mỹ và Canada chịu thiệt thòi trong công việc, kể cả đối với nhóm có địa vị hay thu nhập cao.

Người sếp cộng sự với tôi, xinh đẹp, có ba con, chưa tới 50 tuổi đã đứng đầu về mặt học thuật của một khoa gồm hơn 200 bác sĩ ở một trường y tại Canada. Chị mới đề xuất lập một giải thưởng mới, tương tự như "phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà" trong khoa.

Ngạc nhiên ở chỗ, nhiều ý kiến không chấp nhận. Họ bảo, làm như thế hóa ra công nhận là có bất bình đẳng giới ở cơ quan tiên tiến gần nhất đất nước về mặt học thức à? Và, họ cũng không đồng tình với một khảo sát, ở Canada, trung bình tất cả các ngành nghề, cùng làm công việc giống nhau, nhưng lương nam giới bao giờ cũng cao hơn nữ giới 10% tới 20%.

Amartya Sen, kinh tế gia nhận giải Nobel năm 1998 định nghĩa: phát triển luôn gắn liền với sự tôn trọng đa dạng của từng cá nhân ở mức cao nhất.

Tư tưởng này đã được đưa vào xây dựng chỉ số Phát triển con người của Liên hợp quốc (HDI). Để đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia, không chỉ phụ thuộc vào các chỉ số kinh tế mà quan trọng hơn là các chỉ số về sức khỏe và giáo dục. Vậy mà với Sen, chỉ số trên của Liên hợp quốc vẫn "không thể tránh khỏi thô sơ".

Martha Nussbaum, một nhà triết học, đã phát triển ý tưởng của Sen trong nghiên cứu nữ quyền và đưa ra danh sách chung mang tính toàn cầu về đảm bảo phát triển tối thiểu cho phụ nữ gồm: khả năng có tuổi thọ trung bình, có mái ấm, có sức khỏe, không bị xâm phạm, có cảm xúc gắn bó...

Nhưng theo tôi, điều rất quan trọng trong danh sách của Nussbaum là làm sao để phụ nữ ở mọi nơi đều có khả năng suy ngẫm, phản biện, lập kế hoạch cho cuộc sống mà mình theo đuổi. Khả năng này có thể giúp từng cá nhân phát triển chính mình, gần hơn với khái niệm của Sen hàm ý phải tôn trọng hơn nữa "sự đa dạng của từng cá nhân".

Vì sao? vì ngày nay, không ít người vẫn sẵn sàng nói với một phụ nữ, kiểu như: thời buổi này rồi, đừng làm nội trợ nữa, vùng lên đi, tham gia vào cuộc sống kinh tế xã hội ngoài kia đi. Phụ nữ nào đang năng nổ ngoài xã hội có thể bị khuyên, sao không tập trung nội trợ, chăm sóc chồng con. Thậm chí, tôi thấy nhiều câu hỏi phỏng vấn với các phụ nữ thành đạt "chị làm sao để cân bằng giữa công việc và chăm sóc gia đình"; hay có người vẫn nói với một cô gái không thon thả, rằng nhịn ăn giảm cân hay làm gì đi chứ, để có thân hình chuẩn đẹp ba vòng.

Ít ai biết, ngoài các nước khối xã hội chủ nghĩa cũ, Ngày Quốc tế phụ nữ còn được kỷ niệm ở cả một số nước phương tây, trong đó có Canada. Liên tục ba năm gần đây trước dịch Covid, năm nào tôi cũng tham gia lễ mit-tinh, gặp gỡ các bạn trong đại học Calgary nơi tôi đang làm nghiên cứu sinh và nghe diễn giả nhiều ngành nói về sự bất bình đẳng và vươn lên của phụ nữ.

Tôi nhận thấy, khi đối mặt với cơm áo gạo tiền, những bất lợi của phái nữ thể hiện rõ hơn. Ở Việt Nam nơi tôi sinh ra và lớn lên hay ở những nước được coi là tiến bộ, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại dai dẳng dưới nhiều hình thức, đôi khi rất tinh vi.

Ngày của phái đẹp, tôi nhớ mẹ tôi và mẹ chồng tôi ở Việt Nam hơn bao giờ hết. Cả hai mẹ trải qua thời bom đạn và cuộc bao cấp chật vật, song đều giỏi việc nước đảm việc nhà. Họ một mình nuôi dạy đàn con khi một ông bố ốm bệnh, một ông bố đi bộ đội đằng đẵng.

Những lúc sóng gió khó khăn nhất trong cuộc sống của một phụ nữ nhập cư có hai con, vừa đi làm toàn thời gian, vừa đi học, gia đình bạn hữu ở xa nửa vòng trái đất, hai mẹ là động lực lớn nhất để tôi theo đuổi cuộc sống của chính mình mà không phải của ai khác ở xứ người.

Tôi biết không phải phụ nữ giỏi giang, thành công nào cũng được thừa nhận, yêu quý, thậm chí được trả lương ngang bằng nam giới làm công việc tương tự.

Thành công và được yêu quý vẫn luôn là thách thức của phụ nữ dù ở đâu. Nhưng không vì thế mà nhiều phụ nữ chúng tôi không ngừng bước tới.

Phạm Vân Trang
Nguồn: VnExpress

Friday, March 5, 2021

Lời cha chưa dạy

 

Lời cha chưa dạy

Cho tới một hôm, khi tôi lặp lại câu hỏi “Ông vợ đẹp, con khôn, nhà lớn, xế xịn còn buồn nỗi chi?” thì bạn thôi thở dài nói với tôi: ” Cha tôi chưa dạy tôi một điều,…”.  Dưới đây là những gì bạn tôi thuật lại, kể như là một kinh nghiệm tuyệt đối cần cho những vị hiền lành, giỏi giang nhiều điều, nhưng chân chất, đôn hậu như  vị linh mục trong câu chuyện ” Nước mắt làm ướt áo thày tu” của phó tế Nguyễn Mạnh San.

Lời bạn:” Ông biết đấy, tôi lớn lên trong một gia đình mà giáo dục tôn giáo rất trọng.  Đến đời ông thân tôi là đời thứ ba có cuộc sống hôn nhân một vợ-một chồng êm thắm.  Đến tôi là đời thứ tư.  Ông thân tôi rất mực yêu quý gia đình, giữ những giới răn tôn giáo một cách nghiêm ngặt.  Tôi là con út trong nhà; cụ tôi thương tôi rất mực.  Cụ theo dõi, chỉ dạy từng li, từng tí mọi chuyện kể cả lúc tôi đã trưởng thành.  Cụ đặc biệt coi trọng phụ nữ.  Vào những năm chót của bậc trung học, và cả những năm đầu đại học cụ vẫn thường nhắc tôi là  ‘Nếu con yêu người con gái nào, con hãy nghĩ tới mẹ con, và các chị, em của con.  Con chỉ được nói yêu khi con muốn lấy người ấy làm vợ.  Con đã biết trong dòng họ nhà mình, cũng như trong giáo dục tôn giáo gia đình mình, ta chỉ có đời sống hôn nhân một vợ-một chồng; đó chính là chià khoá của hạnh phúc gia đình’ “.  Những lời quý báu ấy tôi trân trọng, giữ gìn.  Và vợ tôi ngày nay cũng chính là mối tình đầu của tôi!

Có chuyện rất phiền là cụ tôi đã quên ( hoặc không biết) dạy tôi một điều là khi người nữ ( không phải vợ mình) ngỏ lời yêu mình thì mình phải phản ứng cách nào.  Tôi là một học trò ngoan như  bạn đã biết, đã áp dụng thành công những giảng dạy của thầy dạy, của cha mẹ trong đời sống xã hội, nghề nghiệp,  nhưng tôi đã như người mất hồn, đã rơi vào trạng thái chếnh choáng men say khi cô bạn trẻ, nhân viên dưới quyền tôi mở lời : ” Em yêu anh, em muốn cho anh, em muốn…, em muốn…!”…Sau đó, tôi đã sống nhiều năm trong những ‘cơn bão’…Thằng con trai ngoại hôn của tôi năm nay vừa vào đại học.  Tôi khổ lắm bạn ơi!!!

Lời khuyên của bạn tôi với các con: ” Có vợ hiền, đẹp, con ngoan, lại có nghề nghiệp vững vàng, ổn định kể là…cha thiên hạ* rồi; hễ gặp đàn bà, con gái bất kể thành phần nào** mở lời ‘ Em yêu Anh, Em muốn…’ thì phải lập tức bỏ chạy, càng nhanh càng tốt.  Chậm một giây là mất mạng!!!”

*lúc này cách nói của bạn đã ‘ngầu’ hơn xưa!
**Càng có vẻ con nhà lành càng dễ bỏ mạng sa tràng!

Sầu Đông NTC

Wednesday, March 3, 2021

Cuối sân nhà thờ

 Truyện ngắn

Cuối Sân Nhà Thờ
Sầu Đông NTC

Bà Diệp vừa xách giỏ rau, cá ra khỏi chợ thì đụng đầu ông Khải:

– Bữa nay ông cũng đi chợ à? Gớm, cái chợ này lúc nào cũng đông người. Lúc này tây đen tây đỏ đi chợ này nhiều lắm. Tôi cứ tưởng chỉ có người mình với người tàu thôi vậy mà đủ thứ người, nhìn ai cũng thấy dữ dữ thế nào ấy.

Ông Khải nhìn bà Diệp, vẻ ngạc nhiên:
– Bác không thấy là loài người ngày nay đang chung sống với nhau trong một cái làng lớn hay sao?

– Ông chỉ được cái hay đùa; mấy tỉ người mà bảo là sống với nhau trong một cái làng, có mà chết bẹp!

– Thì với phương tiện truyền thông hiện đại, mình chả cần phải đi tới đâu mình cũng thấy được hết bốn phương thiên hạ mà. Tôi ngồi ở nhà tôi thấy tường tận cảnh lụt ở quê mình, thấy cả hoa hậu áo dài ở Sàigòn trên bục danh dự đang tươi cười giơ bó hoa lên trước đám quan khách hau háu nhìn nữa kià, và chỉ cần bấm nhẹ cái nút điều chỉnh là thấy đủ làng mạc Châu Phi, nhấn cái nút khác thấy bầy sếu đỏ bay ngang vùng trời nước Pháp,…

– Ông này nói chuyện đến là hay!

Nói xong, bà Diệp nín thinh.

Cả năm nay bà không thèm ngó đến truyền hình. Bà thường nhắc mấy đứa cháu đang tuổi lớn là lúc này ma quỉ chúng nó hoành hoành khắp nơi rồi. Trên máy truyền hình, chúng nó còn hoành hành khiếp nữa. Có lần bà đi đọc kinh tối ở nhà bà bạn gần khu nhà bà trở về, bà đã bắt gặp thằng con trai cùng đứa con dâu của bà đang dán mắt vào coi cái chương trình quái quỉ gì ấy! Bà rụng rời sợ hãi quay mặt đi, cùng lúc thằng con bà vừa kịp chuyển đài. Bà cằn nhằn các con: ”Tivi là tai họa trong nhà đấy các con ạ. Quỉ ở trong ấy đấy!”  Ấy thế mà con vợ nó còn dám giả lả với bà: ”Bên này tây đầm chúng nó văn minh lắm, cái gì họ cũng giải thích rõ ràng, và biểu diễn cụ thể cho mình hiểu. Mẹ không biết chớ cái cô đầm trong chương trình phỏng vấn của đài địa phương mà có lần trước đây mẹ cứ nức nở khen đẹp và hiền như thiên thần đúng ra là… ‘gáí’ đấy mẹ. Cô ta thật thà và tự nhiên lắm.”  Cô con dâu bà ăn nói cũng hết sức tự nhiên, cứ như dân Ca-na-điên chánh gốc vậy.

Thấy ông Khải tính quẹo ra phiá trạm xe buýt, bà vội nhắc:
– Tuần vừa rồi không thấy ông đi nhà thờ. Ông nhớ phải năng xưng tội, rước lễ đều đặn ngày chủ nhật và các ngày lễ trọng, và dốc lòng dốc trí nghe lời các cha giảng thì mới mong được rỗi phần hồn.
Ông Khải cười, đáp:
– Dạ.

Bà này chả khác gì các bà chị của ông. Họ là những người có phước. Họ chẳng phải thắc mắc xa, gần. Hàng ngày bà lo chuyện nhà cho con, cho cháu, và cuối tuần bà sốt sắng đôn đốc mọi người đi lễ nhà thờ. Bà thường nhắc mấy đứa con, mấy đứa cháu: ”Làm gì thì làm, ngày Chủ nhật là ngày của Chúa; phải dành ngày ấy cho Chúa. Ham làm cho lắm, quên nhà thờ, nhà thánh, chết mất linh hồn thì phỏng ích gì?”  Vào mùa hè, bà cùng với mấy bà bạn trong hội, chiều tối họp nhau đọc kinh râm ran như khi trước bà còn ở Xóm Mới, Gò Vấp. Bà thong thả chờ ngày Chúa gọi về hưởng thánh nhan Chúa trên nước Thiên Đàng. 
 

Bà nghĩ về ông Khải và cùng lúc vừa thấy thương hại, vừa thấy đôi chút bực mình. Ông ấy chúa là khô khan, mà bà vợ chẳng hề thấy bước chân tới nhà thờ. Ngay cả việc chợ búa, hình như bà ta cũng khoán trắng cho đức ông chồng. Đôi lần bà muốn lại căn chung cư của vợ chồng ông Khải, vừa là dịp thăm hỏi cho rõ sự tình, vừa muốn động viên bà vợ của ông Khải nhưng lần nào ông ấy cũng kiếm cách thoái thác. Riết rồi bà cũng đâm chán. Hơi sức đâu mà trì kéo những những kẻ cứng lòng cho được. Nhưng hễ tuần nào thấy ông ta vắng mặt ở nhà thờ bà lại chẳng yên tâm. Không quen biết thì thôi, chớ đi nhà thờ rồi, biết người ta ở gần nhà, để người ta chết sa hỏa ngục sao đành. Bà chỉ mới biết vợ chồng ông Khải khoảng một năm trở lại đây khi họ dọn về ở cái chung cư mà chánh phủ dành cho những người có lợi tức thấp. Chung cư này cách nhà vợ chồng thằng con trai lớn của bà một con đường.

Nhớ lại buổi tối hôm bà bất ngờ thấy chương trình ”ma quỉ” mà các con bà đã coi, bà buột miệng:
– Giê-su ma lạy Chúa tôi, truyền thông hiện đại với chả truyền hình hại điện. Bọn ấy là một lũ xa-tăng.

– Bác nói sao?

– Ồ! Ồ! Tôi không biết, nhưng này, ông nhớ đi lễ chủ nhật cho đều nhá. Nhớ xưng tội, rước lễ đều đặn, đừng phạm tội trọng kẻo mất linh hồn.

Nói vậy, chứ bà cũng thấy ông ta hiền lành, ra vẻ là người có học. Bà chẳng thấy ông giao du với ai, đâu có giống lão ba trợn ở kế bên nhà. Hè tới, lão thoải mái phơi trần với mấy lão bặm trợn khác ở đâu kéo tới; Rượu vào là bắt đầu nói nhăng nói cuội chả đâu vào đâu, toàn những chuyện ngày xửa ngày xưa đi lính giữ đồn,… Vậy mà hắn lại táp vào được với con mụ nạ giòng ở kế nhà các con của bà.  

Về phần ông Khải, cứ nhớ lại thuở nhỏ mới sáng sớm đã bị bà cụ thân sinh đánh thức dậy đi lễ nhà thờ cũng đủ khiến ông phát sốt, phát rét rồi. Những năm tháng gần đây, mỗi lần đi lễ ngày chủ nhật, ông bắt đầu để ý nhiều hơn đến những bài giảng ở nhà thờ, và cách rao giảng của những vị chủ chiên: có vị, ông nghe và cảm thấy ấm lòng, cảm thấy như được an ủi, nhưng cũng có vị mà mỗi lần nghe xong bài giảng về đến nhà ông muốn phát bệnh; Ông không thấy được lòng khoan dung, nhân hậu của những vị này, ông chỉ thấy ở những vị ấy đức tính của những sĩ quan tác chiến đang xung trận, cùng với cái kỹ năng thuần thục của những người làm tiếp thị ở Âu-Mỹ mà món hàng chính là cấy nỗi lo, nỗi sợ, cùng với những lời răn đe. Ông thấy tiếc, nhớ đến ông thầy dạy giáo lý những năm đầu trung học – một linh mục người Canada – đã dạy ông mười điều răn của Chúa vào những năm đầu của thập niên 50 bằng giọng nói ấm áp và cái nhìn chan chứa tình người. Vị linh mục ấy đã sống cuộc sống giản dị, bình thường chẳng mấy khác đời sống của những người dân VN bình thường khác. Có lần vị linh mục ấy tâm sự: ” VN mới chính thật là quê hương của Cha. Cha đã được mọi người trong nhà dòng này yêu thương và quí trọng. Cha muốn được về với Chúa ngay trên quê hương đáng thương và đáng yêu này.” Nhưng thật đáng buồn là Ngài đã bị trục xuất khỏi VN ngay sau khi Cộng sản chiếm được miền Nam.

Vào những ngày này, ông chỉ thấy một nỗi ngao ngán dâng đầy. Đã bao nhiêu biến động đến trong cuộc đời. Và những nỗi đau chỉ mình mình biết, chỉ mình mình hay, không chia xẻ được với ai, và cũng chẳng ai muốn chia xẻ với mình trong cuộc sống hối hả, vật chất, và gấp gáp nơi này.

Và như vậy, có những hôm ông chỉ muốn nằm lì ở nhà, không muốn đến nhà thờ nữa.
 

x o x

Ông Khải vừa bước qua cửa nhà thờ chánh toà thì có người níu lại. Ông quay lại, ngạc nhiên khi thấy ông Diệm:

– Ủa tôi cứ tưởng ông không có đạo. Mấy năm nay có khi nào tôi nghe ông nói gì về đạo đâu? Mà sao bữa nay lại đi dự lễ thụ phong tân linh mục vậy?

– Tôi không có đạo, nhưng có ông bạn cùng viết cho một tờ báo bên Mỹ, có người em chịu chức ngày hôm nay.  Ông ta thấy tôi viết một đôi bài báo liên quan đến vấn đề tôn giáo.  Tôi không phải là người quá khích, ông ta mời tôi đi cho biết.

Ông Khải ghé tai nói nhỏ:
– Nói thật với ông tuy tôi đạo gốc nhưng là người khô khan lắm. Hôm nay có đứa cháu một ông anh họ thụ phong linh mục, ông bà ấy ở xa đến nên tôi với bà vợ tôi mới đi.

– Chị đâu?

– Bà ấy vào trước rồi. Có lẽ bà ấy ngồi chung với các người kia. Tôi kiếm chỗ gởi xe đến gần 20 phút mới có chỗ nên vào trễ đấy ông.

Ông Diệm:
– Tôi không ngờ nhà thờ này lớn và đẹp quá chừng.  Người đi dự lễ đông nghẹt, đủ các sắc dân. Tôi phải chịu giáo hội Công giáo của mấy ông là một giáo hội hoàn vũ thật sự. Không có thứ tình cảm nhân loại trong giòng sống của giáo hội thì làm sao giáo hội đã có thể hội tụ nhiều sắc dân đến thế trong một buổi lễ như ngày hôm nay.  Đến đây, tôi thấy rõ sức mạnh của giáo hội này.

Ông Khải:
– Đứng đây chỉ thấy người thôi, mình lên trên kia có chỗ ngồi. Ông có giấy mời mà.

– Ừ, mình lên trên đi.

Hai người chen lên được khu dành cho khách mời nhưng nhìn quanh ghế nào cũng đã chật người.
 

Ông Diệm:
– Tôi thấy chị ngồi phiá trên kia kià, nhưng chẳng có ghế nào còn trống cả. Nếu mình kiếm được chỗ ngồi sợ không nói chuyện được với nhau. Hay là mình đứng luôn ở đây, cạnh chiếc cột lớn này. Ông không ngại chứ?

Ông Khải nhìn quanh:
– Nhúc nhích gì nổi nữa. Đông quá. Cách đây vài năm tôi cũng đi dự lễ thụ phong linh mục của một người quen ở nhà thờ chánh toà ở Montréal. Hôm ấy cũng đông và trang trọng lắm nhưng không đông như ở đây, hôm nay.

Ông Diệm nhìn lên trên chánh điện. Những vòm cửa kiểu gô-tích phiá sau với những ô kính đủ các loại màu- những màu rực rỡ xen với những màu trầm dịu, ghép thành những tác phẩm nghệ thuật diễn tả những cảnh và người ghi trong Kinh Thánh. Ông tì người vào cây cột bên cạnh, và ngước lên phiá trên. Ông quay qua ông Khải:
– Nhà thờ này có lẽ đã được xây cất cả thế kỷ nay.  Khí hậu vùng này gần nửa năm lạnh, xây nhà thờ lớn và nguy nga thế này thì vài chục năm chưa chắc đã xong.


– Nhà thờ trên Montréal còn lớn hơn nữa, và bà chị tôi năm ngoái đi thăm La-mã ( Roma) cho biết nhà thờ Thánh Phao- lồ (Paulus) lớn và đẹp không tưởng tượng được. Tôi không để ý lắm đến những kiến trúc tôn giáo, nhưng ngay lúc này có thể tôi phải nói ngay với ông nỗi xúc động của mình: nếu không có một soi sáng đặc biệt nào đó về mặt tâm linh, làm sao con người có thể tạo nổi những tuyệt tác như vậy từ những thời xa xưa cách đây cả ngàn năm.

 Ông Diệm:
– Tôi không rõ, nhưng ở Ai-cập, ông thấy kim tự tháp rồi tượng các Pha-ra-ô (Pharaoh) cũng hùng vĩ lắm đấy chứ; Ở Hy-lạp nhiều đền thờ cũng hùng tráng chẳng kém. Giờ đến phiên tôi nói với ông cảm tưởng của tôi về khung cảnh này: Đây là kết quả cụ thể của nền văn minh Thiên Chúa Giáo, từ kiến trúc đến nghi thức thờ phụng. Nếu không có những tâm hồn lớn và những bộ óc am hiểu tâm lý con người trong hàng giáo phẩm lãnh đạo làm sao đạo Công giáo có thể mở mang nước Trời đến năm châu bốn biển, và đã tạo được những ảnh hưởng vô cùng lớn lao về văn hoá và xã hội như ta thấy ngày nay.  Trong quá khứ, giáo hội ở nhiều nơi ảnh hưởng trực tiếp đến cả quyền lực thế tục.
 

Khi ông Diệm đang nói thì từ dưới, phiá lối đi giữa nhà thờ, một dòng người dẫn đầu là Đức Tổng Giám Mục của Thành phố, và trong số đông đảo các tu sĩ, trang nghiêm và thành kính, tuần tự tiến lên phiá bàn thờ, ông nhận thấy khá nhiều khuôn mặt Á châu.

– Mà này, ông có thấy trong số các linh mục dự lễ bữa nay có đến gần phân nửa là người Á châu không?

Ông Khải:
– Tôi nhìn ra gần hết các vị linh mục ông nói là Á châu kia là người VN đấy ông.

– Lạ quá nhỉ! Đây là một hiện tượng đặc biệt về tôn giáo.  Có lẽ tôi sẽ dành nhiều thời gian để nghiên cứu. Tôi có một người bạn quen, thân nhau từ thuở còn trèo me, trèo sấu ngoài Hà nội, nay thỉnh thoảng vẫn gặp lại, nhưng tay này chẳng hiểu sao mà hễ nói đến Công giáo các ông là hắn ta bực bội ra mặt.

Ông Khải:
– Tôi không quen kình chống ai, nhưng không chừng trong vấn đề này cũng có luật nhân quả và luật bù trừ. Vào thời kỳ thực dân, phương Tây đem quân đi chiếm thuộc địa, cùng lúc với việc các giáo sĩ tìm đến phương Đông rao giảng lời Chúa. Nay thì phương Đông chi viện trở lại. Về phần rủa xả, bươi móc: hễ mình rủa xả người ta, bươi móc người ta thì người ta rủa xả lại mình, bươi móc lại mình. Hoàn cảnh sống và dân trí khác đi rồi. Nhưng dân VN mình cũng là một dân tộc đặc biệt lắm trên thế giới, ở Châu Á, đã được Chúa chọn làm mảnh đất màu mỡ gieo trồng Lời Chúa. Phần tôi, tôi không ra khỏi nhà dòng sớm thì giờ này dám cũng phục vụ cho một giáo phận nào gần đây.

– Vậy ra ông cũng từng ở trong dòng?

– Vâng, lúc các cụ tôi gởi tôi vào tiểu chủng viện tôi còn nhỏ lắm. Năm ấy tôi mới 10 tuổi. Tôi đâu hiểu ất giáp gì những điều giảng dạy về giáo lý, nhưng có một điều đến giờ này tôi vẫn còn nhập tâm là lúc nào cũng phải ”Mến Chúa, yêu ngườí”.

– Tại sao ông lại ra khỏi dòng?
 

– Tôi ở trong dòng tới gần hết năm thứ hai thì đến ngày gần Tết, thấy nhớ nhà quá, tôi với hai tên nữa trốn dòng về nhà. Từ nhà tôi tới nhà dòng chỉ cách khoảng một cây số. Qua niên học mới, ở nhà nhận được giấy của cha bề trên ”Con có ơn kêu gọi, nhưng không có ơn bền đỗ”. Tôi ra khỏi dòng từ đó. Thực ra cả ba đứa chúng tôi đều lỗi đức vâng lời.

– Lúc ấy các ông còn nhỏ quá biết quái gì về vâng lời với lại chẳng vâng, nhưng bây giờ ông có tiếc gì vì đã ra khỏi dòng không?
 

– Tiếc nhiều lắm chứ. Các cụ vẫn nói ”Tu là cõi phúc mà”.  Một ông bạn tôi mới đây còn ‘choảng’ thêm một câu tôi thấy cũng chí lý chẳng kém: ”Lỗi lầm lớn nhất đời tôi là lấy vợ; đã thế hết nghiệp này lại chồng lên nghiệp khác!”

Phiá trên toà giảng, trước bàn thờ, các nghi thức truyền chức tuần tự tiến hành. Ông Diệm thấy nghi thức có nhiều phần giống những lễ thăng chức cho các quan trong khung cảnh trang trọng của một số triều đình châu Âu thời trung cổ trong các phim ảnh Âu Mỹ mà ông đã xem trước đây.

Ông quay qua ông Khải:
– Tôi chẳng phải là người Công giáo, nhưng nếu tôi được hưởng một cuộc phong chức ngoài đời tương tự thế này, thật tình tôi khó lòng rời bỏ được tổ chức ấy. Đó là vinh dự cao cả của một đời người.

Ông Khải:
– Đó không chỉ là vinh dự của một người. Bên mình, trong giới Công giáo, còn là vinh dự của cả một họ. Và trong một giáo xứ nhỏ như giáo xứ nơi gia đình chúng tôi sinh sống khi trước thì vinh dự của ông bà cụ cố chỉ kém vinh dự của cha xứ một tí mà thôi. Chẳng nói dấu gì ông, bà cụ thân sinh ra chúng tôi đúng là một vị thánh. Cụ là gương mẫu điển hình của những bà mẹ VN một đời tần tảo, hết lòng vì gia đình, sống đạo đức, thánh thiện.  Hạnh phúc lớn nhất đời cụ là thấy trong nhà ít nhất có một đứa con trở thành linh mục hay nữ tu, hệt như nhiều gia đình bình dân người mình ở đây thật hãnh diện khi trong nhà có một đứa con là bác sĩ vậy. Cụ tôi đã gởi cả sáu anh chị em chúng tôi vào những nhà dòng, nhưng có lẽ trong giòng họ chúng tôi đức vâng lời truyền thống khiếm khuyết sao đó mà cuối cùng ai cũng ra khỏi dòng. Cụ rất buồn về điều này, nhưng tôi còn buồn hơn vì nhìn quanh gia đình các anh, các chị cũng như của chính tôi sau này, chúng tôi đã gặp quá nhiều thử thách và những nỗi bất hạnh trong đời – những bất hạnh như của cả một dân tộc gom vào phạm vi một gia đình, một giòng họ! Đã có lúc tôi ngơ ngẩn cả người khi nghĩ rằng có thể vì thiếu đức vâng lời, phải ra khỏi dòng, mà anh em chúng tôi đã gặp biết bao nhiêu tai ách, hoạn nạn chăng?!


– Đừng nghĩ như vậy ông ạ. Để hôm nào thong thả mời ông lại tôi chơi, tôi giới thiệu với ông ông bạn thân của tôi, một người cũng đã gặp khá nhiều bất hạnh trong đời nói chuyện với ông. Tôi tin là ông sẽ dễ chịu hơn khi gặp ông bạn tôi. Trước kia, tôi cũng là kẻ cực đoan, hay gay gắt với người khác, nhất là trong lãnh vực tôn giáo. Nhưng ông thấy đấy, tôi đến xem và quan sát lễ chịu chức bữa nay với ông, ông có thấy tôi khó chịu gì với Công giáo các ông đâu, trong khi chính tôi, tôi vẫn thường hay lên chùa, chẳng phải để tụng niệm, van vái, cầu xin gì, nhưng chỉ để tìm đến một khung cảnh yên tịnh, trang nghiêm cho tâm hồn mình dịu đi. Vậy mà, cũng có lúc có người hiểu lầm tôi, ở cả hai phiá.

– Có phải ông tính giới thiệu tôi với người bạn hay mạt sát Công giáo? Nếu vậy thì tôi không muốn gặp đâu.

 – Không, ông bạn này là người ôn hoà. Ông ấy rất vui tính.
 

Lễ xong, mọi người kéo nhau ra về.

Ông Diệm chào từ biệt ông bà Khải. Trước khi chia tay ông còn nói với lại một câu:

– Anh chị nhìn xem, có lẽ dân chúng thành phố này tụ hết về đây vào ngày long trọng này.

Ông nháy mắt với ông Khải:
Giáo hội của ông đáng phục mà cũng đáng sợ thật. Tôi thì tôi chỉ ưng đứng bên ngoài thôi, trong tôi hình như có ‘gen’ nổi loạn ngầm; Vào đến bên trong, sợ mình không còn giữ được những tình cảm thuận lợi ban đầu nữa. Thành thử từ tiểu học cho đến khi hết đại học tôi toàn học những trường do giáo hội Công giáo thành lập, được gợi ý nhiều lần vào đạo, nhưng tôi vẫn không chịu rửa tội.
 

Vợ chồng ông Khải cùng với vợ chồng người anh họ đã ra khỏi nhà thờ. Phiá trước cửa nhà thờ từng toán người vây quanh các tân linh mục. Ông anh họ ông kéo ông và các bà về phiá người cháu tân linh mục:

– Chào cha, chúng con xin chúc mừng cha;  Xin cha luôn nhận được nhiều hồng ân của Chúa Cha trên trời, Chúa Con, ơn sáng soi của Chúa Thánh Thần và sự phù hộ của Mẹ Maria để chu toàn thiên chức được trao phó trong việc dìu dắt đoàn chiên của người.

Ông anh họ trao cho tân linh mục một phong bì đựng một chi phiếu làm quà mừng. Ông Khải cũng chúc mừng và cũng trao cho tân linh mục một phong bì tương tự.
 

– Con xin cám ơn các bác.

– Chúng con xin cám ơn cha.

Vợ chồng ông anh họ và vợ chồng ông Khải sau đó cáo từ ra về. Leo lên xe, ông Khải nhìn ra chung quanh. Ông thấy những khuôn mặt rạng rỡ, trẻ thơ.

 

x o x

Ông Tuấn rót bia ra từng chiếc ly trong suốt. Bọt bia sủi lên tới miệng ly, ông ngừng lại, rót bia qua ly khác. Trong khi bọt bia từ từ tan, ông châm tiếp một vòng thứ hai.

Ông nâng ly bia, tươi cười:
– Hôm nay các bà rủ nhau đi chợ trên phố Tàu, anh em mình tha hồ tán hươu tán vượn. Nắng đầu thu đẹp thế này và trời lại mát, các ông lai rai thật tình với tôi nhé.

Tiếng thành ly chạm vào nhau cùng với những lời: ”Cám ơn ông”, ”Phải chi mấy tuần vừa rồi tuần nào cũng được mời thế này thì cuộc đời đẹp biết chừng nào”, ” Các ông thấy không, phải đợi các bà vắng nhà chúng mình muốn tán gì… thì tán, chúng mình đúng là thuộc giống… sợ…!”
 

Tiếng các ông cười ran.

Ông Tuấn nhìn ông San, cười cười:
– Ông phải hãnh diện trong nhà ông có một đấng thánh đấy.
 

Ông San cũng cười, nhưng ông nhìn ông Tuấn bằng ánh mắt dò hỏi:
-Chắc thằng con tôi nó tính tuyển hai bác vào đạo của nó phải không?

-Tôi có sạn trong đầu rồi, tuyển thế quái nào được, nhưng nói chuyện với cháu tôi vỡ ra được nhiều điều.

– Ông gặp nó trong trường hợp nào?
 

– Nó đi với một người trong đạo của nó đến nhà một người quen của tôi. Con ông nó đến giảng Kinh Thánh cho nhà này. Gặp tôi ở đó nó cũng hỏi thăm và mời ngồi nghe cùng với gia đình quen biết kia.

– Ông thấy sao?
 

– Tôi có cảm tưởng là nó am tường Kinh Thánh. Nó thuộc vanh vách; chẳng bù cho tôi, đi nhà thờ lấy lệ vậy thôi chớ Kinh Thánh tôi mù tịt. Trên bục giảng, các cha muốn giảng gì thì giảng, chỉ cần biết các ông ấy dạy giáo dân làm điều hay lẽ phải là đủ.

Ông Trung chen vào:
– Tôi chẳng theo đạo nào cả, chỉ theo đạo lương tâm của mình thôi. Nhưng tôi phải công nhận mấy người trong cái đạo của con ông San đây là những người đàng hoàng, hết sức tư cách.


Có tiếng cười của ông Mẫn:

– Chưa biết đâu! Thế giới đảo điên này lắm chuyện bất ngờ lắm. Nhưng tôi cũng lạ là nhóm này họ kiên nhẫn lạ thường. Họ gõ cửa một lần chưa vào nhà được thì họ gõ hai lần, rồi ba lần,…

Ông San:
– Nhìn bề ngoài mấy ông thấy đám người này khá là tư cách, nhưng ông Tuấn nhắc đến thằng con tôi, tôi chẳng biết nói sao nữa. Nếu nó chăm sóc được cho bố mẹ chỉ bằng một phần nhỏ của việc nó siêng năng đi học cách giảng Kinh Thánh, đi họp với các người cùng hội với nó, và nhất là nó đừng ương gàn như từ nhiều năm trước đây thì tôi cũng mừng.

Ông Mẫn:
– Tôi chưa gặp mặt cháu lần nào.

Ông Tuấn:
– Anh chàng bảnh trai lắm: cao ráo, trắng trẻo. Tôi là đàn bà có lẽ tôi phải mê nó. Tôi biết là nó đã xong đại học rồi, mà có tới ba cái bằng lận. Nó học cùng lớp với thằng con tôi.

Ông Trung:
– Nếu thế thì ông bạn tôi đây phải mừng mới phải chứ: Có con học hành ngon lành, lại đạo đức nữa, thì trên thế giới này phải phước đức lắm mới được hưởng như vậy.

Ông San thở dài, mặt ông méo xệch đi.

Ông Mẫn:

– Làm gì mà thở dài vậy ông. Tôi chỉ mong mấy đứa con của tôi bằng một góc cháu nhà ông là tôi đủ phước lắm rồi.

– Các ông có ở vào hoàn cảnh của tôi các ông mới hiểu được. Hôm nay ông Tuấn rủ đến nhà ngồi vui chơi với nhau mà tôi than thở thì mất vui đi, nhưng tôi chỉ biết nói với mấy ông là hễ thấy mấy đám ấy nó gõ cửa nhà, các ông chớ có tiếp. Điều kỳ lạ: hễ ai đã bập vào rồi thì y hệt một đám cừu non dưới sự dìu dắt của một nhóm người, và rồi ra họ hết biết đến ông bà, cha mẹ, dòng họ nữa. Phải chi từ nhiều năm nay nó là đứa con có tình, thường hay lo lắng cho cha mẹ, và để ý chăm sóc các em, nó có lỡ vướng phải cái phái này mình cũng còn hy vọng có lúc nó sẽ nghĩ lại. Nhưng nó kỳ cục lắm, chưa kể là phái này họ diễn giải Kinh Thánh cách nào tôi nghe cũng không ổn. Nhiều người bạn của tôi họ cũng nói như tôi vậy. Vậy mà nó sốt sắng, siêng năng, cần mẫn với đám này mới chết mình chứ. Cái gì nó cũng nói hội thánh của nó là đúng, là nhất. Cả nhà, và nhiều người trong họ biết nó từ lâu đều có nhận xét nó có dáng vẻ của một cậu công tử bột vô tư.  Tôi thì tôi thấy nó ngờ nghệch như một con ngỗng đực, ngây thơ và ngây ngô về nhiều khiá cạnh trong cuộc sống. Hình như tự bản thân nó, nó xa lạ với những tình cảm gia đình, trong khi bà nhà tôi bà ấy chăm chút nó từng li từng tí ngay từ khi mới lọt lòng. Nó đi đi, về về như người khách trọ. Từ khi nó bập vào đám này rồi, nó nói đến việc mưu sinh như kẻ ngủ mê, và hễ mở miệng thì ”Con làm chỉ cần đủ sống; Quan trọng là Nước Trời kià”.  Nó lo toàn chuyện trên trời. Cái đầu nó tửng tửng sao đó. Nhiều hôm ra khỏi nhà, nhất là những buổi sáng chủ nhật khi có người đến rước nó đi họp thì nó đi ra mà như không thấy mình. Cha mẹ dở sống, dở chết nó không cần biết. Nó lại là con trai lớn mới ác chứ! Bên này có những ngày có thể xem là những tục lệ tốt như Ngày Nhớ Cha, Ngày Nhớ Mẹ (Mother’s Day, Father’s Day) trong khi các chị em nó còn nhớ và nói đôi lời chúc mừng an ủi mình, thì về đến nhà nó vẫn tỉnh queo không biết đến ai. Mà kỳ lạ lắm, hễ mở miệng ra nó nói nó sống đúng theo sách thánh.
 

Ông Mẫn cười:
– Lại có chuyện đó nữa sao? Hay nó ứng nghiệm với câu nào đó: ” Nước Trời chỉ dành cho những kẻ thơ ngây như con trẻ”. Chúng ta đây anh nào cũng hói đầu cả rồi, nhìn mặt đủ thấy thời thơ dại nay còn đâu, vào Nước Trời khó lòng quá!!!.

Ông Trung:
– Ông San nói không sai đâu. Một bà bạn của nhà tôi, mẹ goá với ba đứa con côi, vẫn để hình của các cụ trên bàn thờ kính tổ tiên, vậy mà đứa con gái út những năm trước đây vào ngày rằm, Vu lan vẫn xụp xuống khấn vái thì nay cứ nằng nặc nhất định không chịu, thiếu điều nó muốn đòi dẹp cả bàn thờ đi nó mới chịu ở nhà. Không hiểu nó ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà nó cuồng đến như vậy. Động một tí là nó kêu: ” Thế giới này toàn là quỉ không hà! có nhiều dấu hiệu khoa học cho thấy  ngày tận thế sắp tới rồi!! Không lo cứu mình thì khi sống lại sẽ gặp sự phán xét công minh của Đức Chúa Trời.”


Ông Mẫn cười:

– Con bé này chắc bị mát nặng. Nếu nó hay viện dẫn khoa học để bảo là tận thế tới nơi thì mình phải nhờ ông Tuấn mời ông bạn Thịnh lại nói chuyện mới được. Tay này là tiến sĩ sinh hoá, nhưng nhiều năm nay chuyên tìm hiểu về tôn giáo. Tôi có dịp nói chuyện với ông ấy một lần, tôi chịu lắm. Ông ta cũng diễn giải những kinh nghiệm tâm linh bằng những dẫn chứng khoa học, mà là thứ khoa học ở vào trình độ của những nhà bác học vật lý hạt nhân chớ chẳng phải thứ khoa học của thời Galileo hay Newton đâu.

Ông San:
– Ông con tôi cũng chẳng khác con bé kia mấy tí.  Thêm vào đó, ngày Giáng Sinh ông ấy cũng không công nhận, và cũng không thèm chung vui với anh chị em trong nhà. Nó nói không cần phải sống hình thức bề ngoài, và số người mà Đức Chúa Trời chọn vào Nước Trời của Ngài vào ngày tận thế chẳng có nhiều. Nó không công kích Công giáo, nhưng hễ mình nói đến Công giáo thì nó kêu: ”Họ không làm đúng lời Chúa”.  Nó hay lặp đi lặp lại câu: ”Nhân nào quả nấy”. Nó nói nó biết một gia đình ở gần Trường đua Phú thọ xưa, cả giáo xứ ai cũng trọng vọng, ngợi khen mà rồi khi vượt biên đã gặp hải tặc đến hàng chục lần. Chẳng hiểu họ đã gieo những gì mà phải gặt những trái đắng làm vậy. Mà chẳng phải chỉ một gia đình. Hàng chục gia đình như thế trên một chiếc ghe. Tôi thật chẳng hiểu nó muốn ám chỉ chuyện gì.

Ông Tuấn gắp một miếng nộm:
– Ăn uống cái đã các ông ơi. Món nộm này bà xã tôi mới làm sáng nay.

Ông San cũng gắp một miếng:

– Gì thì gì, có thực mới vực được đạo. Nộm ngon đấy ông.

Ông Mẫn:

– Vậy chứ. Có ăn mới nói chuyện gì thì nói. Chuyện tôn giáo là chuyện dễ gây tranh cãi lắm. Lạ nhỉ, tôi với các ông chẳng ai theo đạo của ai mà chúng mình vẫn thân và vui vẻ với nhau. Thế thì cái gì nó khiến chúng ta nói chuyện được với nhau mà chẳng thấy phiền hà. Có phải là chúng ta chỉ thăm hỏi sức khoẻ và đời sống gia đình của nhau không nào? Chúng ta chỉ mong ai cũng gặp được những điều tốt lành trong cuộc sống; và ngoài ra, với con cái, chúng ta đều lo hướng dẫn nhớ đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên; khi còn nhỏ thì lo học hành cho đàng hoàng và lớn lên lo làm việc cho đâu ra đó, không gian tham, trộm cắp,… Còn gì nữa đâu mà phải gay gắt với nhau.

Ông San:

– Ai cũng như ông thì thế giới này đã là chốn địa đàng. Có lẽ tôi đã gặp cảnh ngộ quá ư đặc biệt trong gia đình nên lúc này có khi tôi phải mượn thêm triết lý nhân quả của nhà Phật để có thể chấp nhận dễ dàng hơn những điều bất ưng xảy đến cho gia đình mình.

Ông nhắp một ngụm bia, ngồi tư lự.

Ông Trung cười, tếu:
– Cứ như tôi là khoẻ re. Tôi chẳng theo ông thần nào cả, nhưng tôi có một bà thần, hở bà ấy ra là… đói! Tôi chỉ cần thấy một cách đại khái là có một Đấng Toàn Năng đã tạo dựng nên vạn vật muôn loài, kẻ nào sống trên đời làm điều thiện sẽ được hưởng điều lành, còn kẻ làm ác sẽ phải lãnh điều xấu sau khi chết. Ai làm nấy chịu. Tôi suy nghĩ đơn giản vậy thôi, chẳng phải nhọc công tìm học tìm hiểu giáo lý cao xa của bất cứ vị nào, mà cũng chẳng phải quị lụy, cung phụng ai. Ngay như cuốn Thánh Kinh, đã có cả hàng trăm hệ phái diễn giải khác nhau, có khi kình chống, khích bác nhau. Tôi có mấy người quen hay nói với tôi chuyện thiền, tôi nghe thấy cũng hay hay, nhưng chỉ phần thực hành về thở và tập cách tập trung tư tưởng tôi còn lãnh hội được, chớ nói đến các công án trí thông minh của tôi không sao hiểu đặng, nặn óc cách nào nó cũng cứ trơ ra. May ra có ông Mẫn đây hiểu nổi. Về phần các con tôi, chúng nó muốn sao thì muốn. Ở xứ này rồi mình có muốn kiểm soát chúng nó cũng chẳng đặng. Khi nào khổ quá tôi sẽ chắp tay ngước mặt nhìn trời: ” Ngài ơi! Ngài tha cho con”.

Ông Tuấn:
– Vậy là nhứt ông rồi. Ông là con một. Ông chẳng có bà con anh em gì ở xứ này. Ông là người thoải mái, tự do. Ông không chịu những ràng buộc. Tôi có ông bạn gia đình Công giáo nặng mà con ông ta lại yêu một anh con một gia đình sùng đạo Phật.  Muốn tiến tới , đôi trẻ gặp đủ thứ phiền toái về cả hai phiá. Nghe phiá nào cũng thấy nhức buốt cả.

Ông San thở dài lần nữa:
– Tôn giáo cũng có những mặt thật tích cực, nhưng gặp những kẻ cuồng tín, mệt lắm.


Ông Mẫn gắp một miếng chạo tôm bỏ vào chén của ông San, rồi gắp tiếp một miếng đưa lên miệng:

– Á, à! chạo này bà Tuấn làm khéo quá. Mà này ông, mình cứ coi như pha hết mọi chuyện thì chẳng có gì phải lo, phải khổ cả.  Ở tù cả chục năm chẳng sao, về đến nhà lại sợ tiếng thị phi sao.

– Gia đình bên bà vợ tôi sùng đạo dữ lắm.  Nay con cái trong nhà chúng nó linh tinh quá mình đi đến đâu mình cũng thấy ngại. Riết rồi mình hết muốn gặp người quen trong giáo xứ,…

Ông Tuấn:
– Ông Mẫn nói chuyện đi tù tôi chợt nhớ ra Cộng sản mới là tôn giáo thứ thiệt. Sau 75, gặp lũ cán ngố từ ngoài Bắc vào tôi thật sự kinh hoàng. Bọn cán bộ chính trị phù thủy phiá trên nói gì chúng nó cũng tin.  Hễ nó hạch tội ai thì cái hệ thống luận lý một chiều của nó biến anh ngây thơ vô tội thành anh ngây thơ vô số tội.

Ông Trung:
– Có lẽ vì vậy đã có nhà nghiên cứu nào đó phán rằng Cộng sản cũng là một thứ tôn giáo: Nó chính là đứa con ngỗ nghịch của nền văn minh Thiên Chúa giáo. Bọn Cộng sản cóp nguyên xi tổ chức và kỹ thuật truyền giáo của Công giáo, có phần còn chặt chẽ hơn với các tổ tam-tam, chỉ khác là thay vào cây thập giá chúng trang bị lưỡi lê và súng, thay vào đức bác ái là lòng hận thù giai cấp; Giáo lý của chúng là thuyết duy vật, và đấng toàn năng của chúng là cụ tổ Marx. Thời kỳ chiến tranh Quốc – Cộng bên mình hình như có ông nhà báo nào đó đã viết: ” Hiểu cộng sản thì không ai bằng mấy ông công giáo; mà sợ công giáo thì không ai sợ bằng cộng sản sợ cả”.

Ông ta cười hăng hắc, nói thêm:

– Tôi còn nhớ một ông linh mục trẻ hay đùa đã có lần nói với tôi: ”Nhà nào có Chúa thì cũng có quỉ dữ”, và ” Mỗi người phải lo đuổi quỉ dữ ẩn trong thân xác mình”.
Ông Tuấn:
– Thôi, đừng bàn thêm mấy thứ này nữa. Ăn uống cho thoải mái đi mấy ông. Bà vợ tôi về đến nhà thấy thức ăn còn nhiều thế này bà ấy không vui đâu.


Ông Mẫn nói vớt:

– Bữa nay tôi nghe chuyện tôn giáo thấy hấp dẫn quá chừng.

Có tiếng một bà khi ông Mẫn vừa dứt lời:
– Mới vắng nhà có một tí các ông đã nói xấu gì chị em chúng tôi đây?
 

Mọi người quay lại nhìn: bà Tuấn và bà San đã vào nhà từ lúc nào.

Ông Tuấn cười vang cả nhà:
– Các bà đã lén vào nhà lại còn vu oan giá họa cho gia chủ. Chúng tôi nghiêm chỉnh đàng hoàng lắm, việc gì phải nói xấu ai.


Ông Trung chỉ ông Tuấn:
– Tôi cứ nói sự thật: ông ấy vừa mới khen bà đấy.

– Ông ấy có mà khen ai bao giờ!

– Lầm rồi bà chị ơi! Tin cho bà chị biết, ông ấy mới nói không có bà chị thì ông ấy… đói từ khuya rồi.
 

Các ông cười rần rần khiến ông San cũng vui lây.

 

x o x

 

Vào đến phòng khách nhà ông Trung, ông Thịnh được ông Trung lần lượt giới thiệu với ông Tuấn, ông Khải, ông Diệm và ông San. Bà Trung đã xách giỏ đi chợ cách nhà hai ‘lốc’ (block) đường. Những đứa con ông Trung đã đi học; những đứa có gia đình đều đã ra riêng.

Ông Thịnh nghiêng người ngó qua cửa sổ lớn của phòng khách:

– Ông bà Trung ở gần nhà thờ thế này mà không đi nhà thờ kể… cũng uổng quá nhỉ.

– Tôi chả theo đạo nào nên ở gần cũng như không.

 Ông nói đùa thêm:
– Có điều ở gần nhà thờ, nhà thánh nên ma quỉ chẳng dám đến quấy nhiễu, phá phách. Khu này có thể kể là một trong những vùng êm ả, hiền lành nhất vùng này đấy ông. Dạo tôi mới đến Canada, ở Montréal, tôi phải thuê một ấp 4 rưỡi (appartment) ở khu Côte-des-Neiges, tôi đã sống cả năm trong những bực dọc, lo âu, nếu không muốn nói là kinh hoàng.
Ông Khải:
– Dân nghèo xứ nào cũng giống nhau.

Ông Trung:
– Nhưng đám dân nghèo ô hợp này ”mất dậy” hơn dân nghèo xứ mình nhiều. Các ông chưa biết đâu, ấp mà gia đình tôi ở suốt ngày suốt đêm ầm ầm: trên đầu mình mấy con người Phi chẳng hiểu nó làm nghề ngỗng gì mà cứ thấy bọn nhọ ra vô đều đều. Chúng nó đi rần rần trên đầu mình. Đêm xuống, nó còn nhảy đầm nữa chứ. Chịu hết nổi, thọc cán chổi lên thì chỉ êm được vài phút rồi đâu lại vào đó, có khi còn tệ hơn.
 

Ông San:
– Ông không thưa cảnh sát?

Ông Trung:
– Thưa cảnh sát còn chết nữa. Cảnh sát ở đây cũng đã chán dây dưa với lũ hủi. Mấy thằng nghèo hành nhau, chết mặc xác, chánh phủ đỡ tốn cơm nuôi. Ngay bên vách căn phòng có một cặp trắng nhưng không biết chúng nó có chơi xì ke gì không mà tuần nào cũng mất vài ba tối mất ngủ với bọn chúng, cứ khoảng 10 giờ đêm trở đi là bọn chúng tụ tập nhau mở nhạc ‘rốc’ (rock) muốn bung cả cái bin-đinh ra. Thằng gác-dan còn chẳng dám hó hé gì…
 

Ông Diệm hùa thêm:
– Mới trên đầu và bên vách, còn dưới nhà thì sao?

– Một gã người mình chia phòng với một thằng nhọ. Tôi chịu trận chỗ ấy được khoảng nửa năm thì thằng nhọ kia bị một thằng nhọ khác bắn chết.  Gã người Việt thấy chạy khỏi phòng và tuyệt tích luôn.
 

– Sao ông không kiếm nơi nào khác?

– Mình mới qua, ký hợp đồng thuê nhà cả năm nếu mình bỏ ngang mình phải mất mấy tháng tiền phạt, lấy tiền đâu ra mướn chỗ khác nữa. Một đồng xứ này kiếm được cũng phải đổ mồ hôi hột ra.
 

Ông San:
– Tôi cũng đã qua cái kinh nghiệm không khác ông mấy. Thành thử đến giờ hễ nghĩ tới phải vào ở chung cư theo kiểu mấy cái bin-đinh (building) như tôi đã ở dạo trước là tôi muốn phát sốt, phát rét. Dân mình qua đây nhiều người đầu tắt mặt tối, không trông nom được con cái, thấy tội nghiệp quá chừng.

Tiếng ông Thịnh ngắt ngang:
– Cõi người là cõi khổ mà: chẳng khổ cách này cũng khổ cách khác, có mấy ai sung sướng đâu. Ngay công nương Diana đẹp sang, vương giả là vậy, được thần dân nước Anh thương mến và được nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ mà còn gặp biết bao nhiêu khổ não trong đời!
 

Ông Diệm nhìn ông Thịnh, vừa cười vừa nói:
– Ông bạn tôi đây nói cứ như phật tử thuần thành, nhưng ông ấy thuộc loại ”đa thần” đấy mấy ông ạ. Các vị đại diện cho các thần nói gì cái đầu của ổng đều gật gật hết. Ông ấy chẳng chống ông nào cả. Ông ấy bảo tôi là có ý kiến ngược lại với các thần chỉ tổ mua cái hại vào người. Gật đầu hoàn toàn với các ngài là êm chuyện hơn cả. Ông ấy đâu có bí xị như tôi đây. Còn bà vợ tôi chỉ mong được khổ như công nương Diana…!

Ông Khải:
-Thời buổi này chỉ có độc thần hoặc vô thần chớ làm gì có đa thần. Ông chớ có đùa dai.
 

Ông Diệm:
– Không tin ông cứ hỏi ông ấy là biết ngay.

Có tiếng ông Trung ở nhà sau:
– Hôm nay mình nói chuyện chơi với nhau một lúc để các ông Khải và ông San làm quen với ông Thịnh, sau này các ông có thắc mắc gì cứ níu áo ông Thịnh mà hỏi. Ông ấy hay nói với tôi là cuộc sống trần thế tuy ngắn ngủi chẳng đáng gì so với tuổi của lịch sử loài người, và chỉ còn là chấm li ti so với tuổi trái đất. Nếu đem so với tuổi của hệ thái dương có khi ta phải tính bằng phần triệu của một míc-cờ-ron (micron), nhưng ”nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” và một ngày sống trong ưu phiền nào có khác trăm năm trong lửa hỏa ngục. Cho nên phải rán tìm cách gỡ mình ra khỏi những trói buộc vô hình thường gây những đau đớn, dằn vặt cho những kẻ giàu tình cảm, nhạy cảm với mọi thứ trên đời, lại hay thắc mắc này nọ về cõi nhân sinh, nhất là quá nhạy cảm về những vấn đề tôn giáo.

Ngưng một chút ông Trung tiếp:
– Các ông uống gì thì cứ tự nhiên vào lấy trong tủ lạnh. Mấy năm nay chúng tôi ít khi nấu nướng trong nhà. Con cái đi hết cả rồi, chỉ còn thằng út còn ở chung, nhưng nó cũng bận học ở trường tối mịt mới về.

Ông Thịnh đứng dậy xuống nhà bếp, mở cửa tủ lạnh, đảo mắt một vòng rồi lấy ra một chai Perrier.
 

Ông Khải ngó về phiá bếp:
– Ông cho tôi một chai giống ông nhá.

Lần lượt, kẻ nước ngọt, người chai bia và những người đàn ông ngồi quanh trên bộ xa lông trong phòng khách.

Trong năm người đàn ông chỉ có hai người hút thuốc là ông Diệm và ông San, nhưng họ đều hút rất ít.
 

Ông Thịnh rót nước suối ra ly, uống một ngụm, rồi thong thả nói với các bạn:
– Ông Diệm ông ấy chọc quê tôi đấy, chả là có lúc tôi cũng khổ sở quá chừng về những vấn đề tôn giáo. Tôi lớn lên trong một gia đình Công giáo, học trường Công giáo, và bạn bè hồi nhỏ phần lớn trong những gia đình Công giáo. Các ông, tôi không biết sao, chứ những ông thầy dạy của tôi các vị ấy là những nhà sư phạm mẫu mực. Giờ giáo lý người ngoài nhìn vào có thể bảo là chúng tôi học vẹt, nhưng tôi còn nhớ chẳng có ai trong chúng tôi buồn ngủ cả, và sơ Tuệ thì dịu dàng, đức độ, hiền lành chẳng kém sơ Mỹ Hạnh mấy đứa em tôi cứ hay nhắc tới khi đã ra khỏi trại tị nạn ở Hongkong nhiều năm trước đây.

Ông Khải:
– Thế thì ông làm gì có vấn đề gì.
 

Ông Thịnh:
– Cũng nhiều vấn đề lắm. Nhưng vấn đề nhức nhối nhất là mình đi nhà thờ mà lòng còn ngổn ngang trăm mối: chính trong lòng mình còn nghi hoặc, nói gì đến bọn trẻ bị lôi cuốn bởi đủ chước cám dỗ của cuộc sống quá thực dụng nơi này. Sách báo viết về tôn giáo tràn đồng: Hễ có người bênh vực, thế nào cũng có kẻ đả phá. Xem ra ai cũng có lý của mình, hệt như thời kỳ đối đầu giữa tư bản Mỹ và cộng sản Nga vậy. Nhưng Đông Âu đã xụp đổ hẳn chính là vì cái hệ thống ấy nó đi ngược với những khát vọng chính đáng của con người : Tình thương, Cơm áo, và Tự do. Lãnh vực tôn giáo là một lãnh vực hết sức lạ lùng, khiến có kẻ dám bảo những người ”không thấy mà tin” là những kẻ có điểm mù đặc biệt trong cấu trúc não, và cũng có người đã bảo chuyện Mẹ Maria đồng trinh là chuyện thuộc phạm vi tôn giáo, chớ nên lầm lẫn với lãnh vực phụ khoa. Và vì thế thỉnh thoảng bóng mây u ám của sự nghi hoặc thoáng qua trong đầu thì tôi vẫn tự nhủ mình có khi những điểm còn mù mù của mình cũng là một ơn sủng.

Cả hai ông San và Khải cảm thấy nhẹ nhõm đôi phần:
– Có nhiều phần chúng tôi phải học thêm nơi ông, chứ thật tình nhiều hôm nghe các ngài giảng ”Phải củng cố đức tin” chúng tôi cũng cố mà trong lòng vẫn thế nào ấy.
 

Ông Thịnh cười:
– Tất cả chúng ta là con người mà. Đến như vua David phạm tội tày trời mà còn được tha thứ thì cỡ như anh em mình dẫu có những phút yếu lòng, như tôi ngày xưa trốn vợ đi chơi với đào, hay lỡ như ông Khải thiếu đức vâng lời, và ông San nếu có lúc nào không chủ tâm ăn gian, nói dối thì chắc cũng không đến nỗi nào, cũng còn có tí hy vọng được vào nước Trời.

Ông Trung nói dỡn:
– Tôi không phải chung sống với các ”công an áo vàng” của các tôn giáo như các ông nên không biết đến cái sợ, không phải chịu những nỗi lo ngay ngáy như mấy ông, phải vậy không nào? Nhưng mà tôi cũng phải nói ngay để các ông rõ là tôi không có sao đào hoa chiếu mạng như ông Thịnh, và cũng chẳng tài nghề gì. Tôi vừa xong trung học, lò dò vào QGHC thì mùa hè năm đầu, về chơi nhà một tên bạn học ở Mỹ Tho, tôi gặp bà vợ tôi hiện nay khi ấy là học sinh trung học. Hạp nhãn nhau, rồi lấy nhau khi tôi ra trường. Tôi là người của gia đình, chẳng bay bướm gì, chỉ sống theo luân lý truyền thống thôi. Tôi nói chẳng biết các ông có tin tôi không chứ lúc Mỹ đổ quân vào miền Nam, mấy gã nhân viên trong toà tỉnh nơi tôi làm cứ rủ rê tôi vào mấy cái nhà tắm hơi ‘thăm dân cho biết sự tình’. Tôi thấy mấy em làm cho những nhà này, vừa nhỏ tuổi, lại vừa đẹp… Mình chỉ búng tay một cái là các em ào tới, nhưng chẳng hiểu sao tôi không ham mấy vụ này.  Đồng sự xếp tôi vào loại ” Cơm nhà,… vợ”. Tôi cứ ăn ”cơm…,… vợ ” dài dài cho đến nay, chỉ bị khốn đốn khi chịu chung cộng nghiệp với cả một dân tộc, và một ít năm khi mới đặt chân đến Canada như các ông đã biết. Còn mấy cái thắc mắc tôn giáo, áp lực tinh thần này nọ tôi may mắn không phải chịu. Mấy đứa con lập gia đình của tôi chẳng đứa nào làm phiền tôi về nghi thức tôn giáo cả. Với tôi, gặp các cha hay các sư thì các ông ấy cũng chẳng khác gì nhau. Với tôi, chết là hết.  Nếu có đi đâu cũng chẳng phải lo ngại gì.  Mình chẳng làm hại ai mình chẳng có gì phải sợ.
 

Ông San và Ông Khải:
– Sống được như ông Trung thì khoẻ quá, nhưng mình không sống được như vậy. Mình học giáo lý ngay từ nhỏ.

Ông Thịnh:
– Còn sống trên đời là còn phải ưu tư, thắc mắc mà. Tôi chẳng hay ho gì hơn các ông đâu. Hôm nay anh em mình có dịp làm quen với nhau, nhưng ngay các ông Diệm, ông Trung đây, tôi ngờ là các ông ấy nói mạnh như vậy, nhưng hễ ngẩng mặt nhìn lên trời cao và nghĩ đến những ngày cuối cùng thì chắc cũng… chóng mặt. Để thong thả khi nào có thời gian rộng rãi tôi sẽ tường trình với các ông một vài điều tôi ghi nhận được về một vài khiá cạnh liên quan đến vấn đề muôn thuở này. Duy có một điều tôi dứt khoát tin: cũng như cuộc đời của mỗi người chúng ta là hữu hạn thì trái đất chúng ta đang sống đây cũng vậy. Nó đã được hình thành và thế nào cũng có ngày chấm dứt. Ngày ấy là ngày tận thế của trái đất này, nhưng theo chỗ tôi hiểu  ngày ấy cũng còn… xa lắm, trừ khi gặp một lũ khùng cùng lúc nhấn một loạt bom nguyên tử.

Những người đàn ông chào nhau ra về.
 

Người vô tư lự nhất là ông Trung bỗng dưng thấy kiếp người thật lạ lùng, và ông thấy rõ ông đã gặp quá nhiều may mắn trong đời. Ông uống cạn chỗ bia còn lại trong ly. Ông mỉm cười một mình. Chút nữa khi bà ấy về, ông sẽ bất thần ôm lấy bà ấy và hôn một cái thật dài. Cả năm nay hai người chưa hề hôn nhau.

Hết
________________________
*Nhân chứng Jehovah