Tuesday, June 30, 2020

Người Mỹ gốc Việt trước cơn lốc chống phân biệt chủng tộc (tham khảo)

Người Mỹ gốc Việt trước cơn lốc chống phân biệt chủng tộc

Trùng Dương
(19 tháng 6 2020)
Gửi đến BBC từ Sacramento, California

...
Sau khi kể một số những trường hợp kỳ thị mà chính mắt ông chứng kiến, tác giả thở dài:

"[K]hông biết bao nhiêu lần, khi trò chuyện với những người Việt trong cộng đồng, thậm chí với những người bạn, họ vẫn thường có những suy nghĩ rất lạ lùng. Thậm chí, họ còn huyên thuyên giảng dạy cho con cái họ là đừng chơi với 'bọn da đen' ở trường vì 'chúng nó ngu, dốt và lười lắm'. Còn 'bọn Rệp' thì thôi khỏi nói, toàn là bọn khủng bố cực đoan và cũng lại... ngu dốt nên cũng cần phải tránh xa, không giao du với chúng!" *


Tác giả bài "Mọi" trích một câu văn (nói là của Phan Chu Trinh, và tôi ghi lại đây vì không có phương tiện để kiểm chứng): "Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau: một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó sẵn ở quốc dân, trong não mọi người. Mỗi cái nhân thời thế, địa vị của nó mà phát hiện, rồi trong khi phát hiện lại đều đi tới cực đoan, lại khi đã tới cực đoan, mỗi cái đều giữ lý do, chuyên cậy vào tập quán, lợi hại đều bị che lấp không thấy."
_______________________________________________________

Nhà báo Trùng Dương là cựu Chủ nhiệm Nht báo Sóng Thần (1971-1975), hiện đang sống tại Sacramento, Hoa Kỳ.


* Chú thích của SĐ-NTC: Nói xa, nói gần chẳng qua nói thật: "Sống ở những khu dân nghèo (ở Việt Nam) nhiều người đã thấm thiá những nỗi khổ/bực mình hàng ngày. Có sống ở khu vực dân nghèo (đặc biệt những khu nhiều người da đen hoặc 'rệp' ở )mới thấm đậm những nỗi khổ này!"

4 thế hệ trong gia đình Tổng thống Donald Trump (tham khảo)

Bài viết của Thu Hằng trên Zingnews 
Quý bạn nhấn vào hàng tiêu đề để đọc toàn văn.

4 thế hệ trong gia đình Tổng thống Donald Trump

Thu Hằng

30/06/2020
Thu Hằng


Tổ tiên của Tổng thống Mỹ từ Đức đến New York trên tàu hơi nước vào năm 1885 và từng bước xây dựng lên một đế chế 4 thế hệ quyền lực

c

Monday, June 29, 2020

Giấc mơ Mỹ (tham khảo)

Giấc mơ Mỹ
Nguồn: Báo Tiếng Dân28-6-2020

Dương Ngọc Thái

Tác giả, kỹ sư Dương Ngọc Thái, chuyên gia an ninh mạng, làm việc cho Google ở thung lũng Silicon, California. Nguồn: Người Đô Thị
Trump mới ký lệnh ngừng cấp H1B, loại visa đã giúp tôi đến Mỹ.

Tháng 10 năm 2010, tôi nghỉ việc ở một ngân hàng tại TP HCM rồi không tìm được việc khác. Tôi không còn nhớ ý tưởng đến từ đâu, nhưng sau khi thất nghiệp hơn một tháng, ra nước ngoài làm việc trở thành chuyện phải thử cho biết. Tôi bắt đầu phỏng vấn ở một ngân hàng của Anh. Cuộc phỏng vấn theo tôi diễn ra khá suôn sẻ, nhưng sau đó không thấy họ nói năng gì về ký hợp đồng và làm giấy tờ. Tôi email nhắc vài lần, họ đều nói “đang xử lý hồ sơ”. Đến lúc họ chủ động liên hệ lại thì tôi đã đến Mỹ.


Người Mỹ làm rất nhanh.

Tôi email một đồng nghiệp ở Mỹ khi thấy anh đăng trên Twitter cần tuyển người, không ngờ năm phút sau anh đã hỏi “khi nào phỏng vấn được?”. Nhưng phỏng vấn xong, tôi nghĩ “chắc rớt rồi”. Vì gặp phải chuyên gia thứ thiệt nên tôi lộ ra nguyên hình là một chuyên gia miệt vườn.

Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao họ chọn tôi. Lúc nhận được thư mời nhận việc, thấy mức lương tôi run quá, đồng ý ngay tức khắc vì sợ họ đổi ý. Sau này tôi mới biết mức lương đó cao hơn mặt bằng chung của nước Mỹ, nhưng ở nơi tôi sống thì cũng chỉ trung bình thôi, trừ thuế má, nhà cửa, sinh hoạt thì chỉ dư dả chút đỉnh. Tính ra lương khởi điểm như vậy là khá công bằng.

Bước tiếp theo là làm giấy tờ. Tôi cần một visa cho phép tôi làm việc. Sếp nói công ty không có kinh nghiệm trong việc này, vì tôi là nhân viên nước ngoài đầu tiên của họ, nhưng an tâm, họ sẽ thuê luật sư. Luật sư nói trường hợp của tôi cần làm visa H1B và liệt kê một loạt giấy tờ tôi cần phải chuẩn bị, trong đó có ba chữ đã ám ảnh tôi cả thanh xuân: bằng đại học.

Đòi gì cũng được, nhưng đòi bằng đại học thì tôi thua. Tôi đắn đo mãi không biết nên trả lời thế nào, vì sợ nếu nói không có bằng công ty sẽ thôi không tuyển nữa. Thú thật trong đầu tôi cũng đã có lúc nghĩ đến những ý tưởng đen tối. Cuối cùng tôi quyết định nói thật. May quá, luật sư nói hồ sơ của tôi vẫn làm được H1B vì có thể chứng minh năng lực tương đương đại học.

Lúc đến trường lấy bảng điểm để chứng minh là có học đại học, nhân viên phòng đào tạo nhìn bảng điểm, nhìn tôi, xong nhìn lại bảng điểm lần nữa, rồi hỏi với ánh mắt dò xét: điểm vầy lấy về làm gì? Từ bảng điểm “lấy về làm gì” và một số thứ khác, công ty thuê giáo sư viết một bảng đánh giá dài mấy chục trang về cá nhân tôi. Tôi vẫn còn giữ bảng đánh giá này, khi nào cảm thấy chán nản lại mở ra xem để thấy trên giấy tờ mình cũng giỏi chứ bộ.

Công ty nộp H1B cho tôi vào cuối tháng 12. Đúng quy trình thì phải đợi đến tháng 10 năm sau mới có kết quả. Mỗi năm nước Mỹ chỉ cấp 65 nghìn visa H1B trong khi số người nộp hồ sơ lên đến vài trăm nghìn. Thế là phải quay xổ số. Muốn đến Mỹ ngoài đẹp trai, con nhà giàu, hát hay và học ngu như tôi thì còn phải trúng số nữa. Vậy mà vài ngày sau, sếp email lại nói hồ sơ của tôi đã được chấp thuận. Hóa ra tôi cực may. Năm 2010 nước Mỹ đang ở giữa một cuộc đại khủng hoảng, các công ty chẳng thuê mướn gì nữa, nên đến cuối năm “quota” H1B vẫn còn.

Tôi không phải là người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ làm việc bằng visa H1B, nhưng có lẽ là một trong những trường hợp hiếm hoi không có bằng cấp. Người Mỹ đã xoay sở để đưa tôi đến xứ sở cờ hoa và đất nước này cũng đã rộng vòng tay chào đón. Tôi tính làm chừng một năm cho biết rồi về, nhưng rốt cuộc “thương vụ” này đã kéo dài gần 10 năm và cho đến nay tôi tin rằng cả hai bên đều có lợi.

Cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn và nước Mỹ có thêm một người đóng thuế. Tôi có cơ hội phát huy tối đa khả năng và mỗi phút đồng hồ nước Mỹ bỏ ra để xét duyệt hồ sơ của tôi đã sinh lợi hàng trăm hàng ngàn lần. Nước Mỹ mà tôi biết là một nước Mỹ biết chọn những khoản đầu tư khôn ngoan như vậy.

***

Trump là hiện thân của một nước Mỹ rất khác. Nước Mỹ của Trump tìm mọi cách ngăn cản người nhập cư, viện vào đủ thứ lý do. Lý do mới nhất là người nhập cư sẽ giành việc của người Mỹ, nhưng kỳ thực rất nhiều công việc sẽ không tồn tại nếu không có người nhập cư. Đồng sáng lập Google Sergey Brin là dân tị nạn đến từ Liên Xô cũ. Elon Musk đến từ Nam Phi. Bố của Steve Jobs và Jeff Bezos đều là dân tị nạn. Thử tưởng tượng, nước Mỹ và thế giới sẽ như thế nào nếu không có Google, Amazon, Apple hay Tesla?

Không chỉ công nghệ, thống kê của viện nghiên cứu New American Economy cho thấy phân nửa tập đoàn trong danh sách Forbes 500 được tạo ra bởi dân nhập cư thế hệ đầu tiên hoặc thế hệ thứ hai. Trump luôn tuyên bố sẽ đem lại những thương vụ có lợi cho nước Mỹ. Nhưng thật khó để thấy nước Mỹ có lợi gì, nếu không muốn nói là sẽ suy yếu, khi cấm những người nhập cư đã viết nên lịch sử và thành công của đất nước này.



Tôi có giành việc của người Mỹ nào không? Không có công ty nào muốn bỏ bao nhiêu thời gian và tiền bạc để thỉnh một ông thần ve chai từ Việt Nam sang, nếu đã tìm được người ở Mỹ. Tôi đã ở cả hai phía của bàn phỏng vấn và tôi hiểu rằng yếu tố quan trọng nhất vẫn là năng lực của ứng viên.

Giả sử bây giờ tôi nghỉ việc, công ty có tìm được người Mỹ nào đủ năng lực thay thế không? Đương nhiên là có, nhưng tôi tin chắc người Mỹ nào làm được việc của tôi đều đang có một công việc rất tốt rồi, chẳng cần phải đợi Trump giúp tìm việc khác. Tôi chưa mở công ty riêng, nên không thể nói rằng tôi trực tiếp tạo ra việc làm, nhưng tôi cũng đã tự tay gầy dựng nên nhóm của tôi ở Google và riêng trong năm vừa rồi đã tạo ra việc làm cho 5 người mới, chưa kể tuyển dụng nội bộ và thực tập sinh.

Tôi đến Mỹ vì muốn được đi cùng thế giới, nhưng ở lại đây vì sự tự do. Người Mỹ tôn sùng tự do ngôn luận và tự do cá nhân. Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ ghi rõ những quyền này của người ở Mỹ, bao gồm công dân và kể cả những người chưa phải là công dân. Những quyền tự do này không phải tuyệt đối, song rất ít hạn chế. Trẻ em ở đây từ nhỏ đã biết nói: “Đây là một đất nước tự do”. Nhưng làm sao có được tự do nếu không chấp nhận sự khác biệt? Làm sao có khác biệt nếu xua đuổi và ngăn cấm những ai không giống mình?

Chính sách của Trump không ảnh hưởng đến tôi, nhưng ảnh hưởng đến nhiều người Việt. Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp người Việt của tôi đã và đang giữ visa H1B hoặc đang chờ nộp vào năm sau. H1B là ước mơ của nhiều du học sinh Việt muốn ở lại Mỹ. Tôi biết nhiều gia đình đầu tư cho con sang Mỹ học, cốt chỉ mong tìm được việc làm có tài trợ H1B. Phương án này an toàn và ít tốn kém hơn so với những con đường khác, vì từ H1B chuyển sang thẻ xanh thủ tục rất đơn giản, đối với người Việt chỉ cần chờ 1-2 năm.

Mỗi năm trước đây có hàng chục sinh viên từ các đại học ở Việt Nam sang thực tập trong các công ty ở Thung lũng Silicon. Vừa làm vừa học trong ba tháng rồi về nước, họ lãnh được số tiền còn cao hơn lương cả năm của chuyên gia trong nước. Nhờ mối quan hệ xây dựng được trong quá trình thực tập, nhiều bạn sinh viên ngay khi ra trường đã có sẵn việc làm rất tốt ở nước ngoài. Giờ đây Trump cũng đã cấm luôn visa thực tập sinh.

Ở một góc độ khác, chính sách đóng cửa của Trump tạo ra cơ hội cho Việt Nam trở thành điểm đến cho giới lao động từ xa. Hơn ba tháng nay tôi làm việc ở nhà và có lẽ sẽ còn ở nhà cho đến khi nào có vaccine chống Covid-19. Trước mắt, không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã nghĩ đến chuyện nếu không đến văn phòng nữa thì sao không làm việc từ Hawaii, Bali hay Nha Trang, Đà Nẵng.

Về lâu dài, Covid-19 cùng với chính sách cấm đoán của Trump sẽ khiến các công ty cho phép nhân viên làm việc từ bất kỳ đâu. Việt Nam sẽ lợi đủ đường nếu thu hút được nhân viên của các tập đoàn đa quốc gia vì vừa thu được thuế thu nhập vừa có nguồn chất xám đã được đào tạo bài bản. Muốn như vậy, Việt Nam phải nhanh chóng ký các hiệp định song phương về thuế thu nhập cá nhân với Mỹ và các nước.

Chính phủ Việt Nam nói rằng nhờ chống dịch tốt, cuộc sống ở Việt Nam đang là mơ ước của nhiều người. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua, yếu tố quyết định một người ở đâu vẫn là công ăn việc làm. Giới công nghệ mơ về Thung lũng Silicon cũng vì ở đây có công việc tốt. Càng nhiều người giỏi đến sống, lại càng có nhiều việc tốt được tạo ra. Đây là cái vòng lũy tiến tạo nên thành công của nước Mỹ. Trung Quốc không có cách gì vượt qua Mỹ nếu người Trung Quốc vẫn muốn trở thành người Mỹ, nhưng vì muốn dằn mặt các công ty công nghệ và mua chuộc cử tri bài ngoại, Trump đã phá vỡ lợi thế này của nước Mỹ.

“Giấc mơ Mỹ”, hay “giấc mơ Việt Nam” thịnh vượng, thực ra không hoàn toàn tách biệt. Có người nói chính sách bài nhập cư của Trump là tốt, Việt Nam sẽ đỡ chảy máu chất xám. Tôi nghĩ tài năng nào cũng cần môi trường mới có thể phát triển. Nước Mỹ với những trường đại học, những công ty hàng đầu thế giới, lại có sẵn hai triệu Việt kiều*, là một nơi rất tốt để nuôi dưỡng tài năng Việt. Họ có quay lại Việt Nam hay không thật ra không quá quan trọng, miễn sao họ vẫn quan tâm đến Việt Nam. Một đất nước có nhiều công dân tài năng và giàu có, dẫu họ ở đâu đi chăng nữa, đất nước đó không thể nghèo nàn, lạc hậu.

(Một phiên bản bài này đã đăng ở VnExpress)

Bình Luận từ Facebook
______________________
____________________________________

* Lưu ý: Chỉ có vài phần trăm là Việt kiều; còn lại là công dân Mỹ gốc Việt

Sao Bắc Đẩu nói về ‘bài học kinh nghiệm sâu sắc’

Tin trên BBC tiếng Việt
28 tháng 6 2020

Sao Bắc Đẩu nói về ‘bài học kinh nghiệm sâu sắc’

Công ty công nghệ Việt Nam bị World Bank cấm đấu thầu nói đã rà soát lại và sẽ tuân thủ quy định trong hoạt động kinh doanh.

Trích:

Phản hồi của Sao Bắc Đẩu (SBD) được đưa ra sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây công bố việc cấm công ty công nghệ thông tin đặt tại Tp HCM tham gia đấu thầu các dự án có nguồn vốn tài trợ của WB trong vòng 7 năm.
Quyết định tước quyền tham gia đấu thầu này được WB mô tả là do liên quan đến các hoạt động "thông đồng và gian lận" trong hai dự án tại Hà Nội và Đà Nẵng.


Sunday, June 28, 2020

Trí thức như thế này thì làm sao mà xã hội không trì trệ? (tham khảo)

Trí thức như thế này thì làm sao mà xã hội không trì trệ?
Bởi Admin28/06/2020

Vương Trí Nhàn

Theo blog Vương Trí Nhàn

Tồn tại chứ không phát triển không chỉ là đặc điểm của xã hội Việt Nam hiện đại mà cũng là đặc điểm của xã hội Việt Nam thời trung cổ.

Khi tìm những nguyên nhân của hiện tượng đó chúng ta thấy trước hết do tình trạng lạc hậu lại cũng do chiến tranh đóng vai trò quá lớn chi phối đời sống cộng đồng hàng thế kỷ mà bộ phận trí thức ưu tú cần thiết, đáp ứng được nhu cầu vận động của xã hội không hình thành.



Cả những rắc rối chồng chất do lịch sử ba phần tư thế kỷ vừa qua nay để lại lẫn những khó khăn kỳ cục do hoàn cảnh thế giới phức tạp hôm nay mang tới đều chỉ có hướng giải quyết thông qua con đường tự nhiên tức là con đường đưa trí thức vào vai trò những người đạo diễn xã hội. Chuyện quá dài…

Nhưng dù thế nào việc tìm hiểu bộ mặt của trí thức Việt Nam trong lịch sử vẫn rất bổ ích.

KẺ SĨ THỜI TRUNG ĐẠI -- SẢN PHẨM CỦA MỘT NỀN GIÁO DỤC ĐƠN SƠ

Nhiều năm qua chúng ta hay nói một cách hồn nhiên rằng dân ta ham học và trong quá khứ ta có một nền giáo dục chẳng kém gì những nước khác. Bản thân tôi ban đầu cũng tin như thế, sau thực tế ngày càng thấy phải nói ngược lại.

Trong một cuốn sách lịch sử giáo dục (1) tôi thấy người ta chỉ ra rằng thật ra giáo dục là chuyện xài sang. Chỉ những đất nước giàu có mới có tiền của để chi cho giáo dục theo đúng nghĩa của nó.

Khi nền kinh tế ở trình độ tiểu nông manh mún, thậm chí trình độ hái lượm, con người có mỗi việc kiếm ăn đã không làm nổi, ta chỉ có thứ giáo dục ở dạng đơn sơ, kém cỏi.

Ta hay khoe, người dân quê nào ở nông thôn VN cũng sẵn sàng bớt ăn bớt mặc cho con đến học ở các thầy đồ lấy “năm ba chữ thánh hiền”.

Nhưng hãy nhìn kỹ vào những lớp học đó. Trường sở sơ sài. Sách vở tài liệu không có, đến bữa cơm chắc bụng cho người dạy cũng không có nốt ( nhiều truyện tiếu lâm toàn ghi lại chuyện thầy đồ ăn vụng) -- thử hỏi sau mấy năm theo học các ông thầy ấy, phần lớn các cậu học trò nhà quê học được gì ? Biết dăm ba chữ để đủ đọc tên mình trong khế ước văn tự thế thôi chứ làm sao hơn được?!



Sự ham học có tính cá nhân nông nổi đó chưa bao giờ kết hợp với nỗ lực của cộng đồng để xây dựng nổi cơ chế giáo dục hợp lý và một nội dung giáo dục lâu dài, có triển vọng .

Đọc lịch sử, đời Lê, sau khi đánh xong giặc Minh, nhà vua lo cầu hiền tài để chọn quan lại ở cấp cơ sở. Chọn như thế nào? Chẳng qua chỉ một số người tinh nhanh đủ chữ ghi chép và … biết làm tính (2).

Theo như cách nói của một tác giả trên tạp chí Văn hóa nghệ thuật (3) thì một nét đặc thù của trí thức VN trong lịch sử là tính cách lưỡng phân. Ông Nguyễn An Ninh, tác giả bài này giải thích:

-- Họ vừa là kẻ sĩ vừa là nông dân.

-- Khi không thể sống bằng chữ tức bằng nghề của mình, nhu cầu trí tuệ của họ bị giảm thiểu. Những xung lực cho hoạt động trí tuệ ở họ thường xuyên bị kìm hãm. Gặp hoàn cảnh khó khăn, họ dễ bị hư hỏng.

Tính cách lưỡng phân ấy là cả một ám ảnh, như ám ảnh về quê hương nghèo đói. Ta hiểu tại sao một số trí thức tỉnh táo khi đã thành đạt, vẫn không thể quên nguồn gốc của mình, cái nơi mà từ đó mình đi tới. Đây là lời dặn của Nguyễn Khuyến cho con cái:

Các con nối nghiệp cha nên biết
Nghiên bút đừng quên đậu lúa cà

Thế sao những người nông dân một nửa này vẫn miệt mài đèn sách để có ngày lều chõng khoa cử thì sao?

Việc nhồi vào óc một ít kiến thức cổ lỗ sở dĩ thu hút được toàn bộ tinh hoa nghị lực của nhiều người vì đó là con đường ngắn nhất để được gia nhập vào hàng ngũ quan chức.



Tự hào về nền giáo dục xưa, ta hay đưa dẫn chứng là trong lịch sử, các triều đại đã mở nhiều khoa thi và đã lấy được nhiều tiến sĩ, các bia tiến sĩ đó còn được đặt trong Văn miếu.

Nhưng thử hỏi trước tác của các vị tiến sĩ đó là gì hay chỉ là những bài văn mòn sáo sau khi dâng vua thì chính người viết ra nó cũng quên nó luôn.

Có thể chứng minh sự kém cỏi của nền giáo dục cổ ở một khía cạnh khác.

Nhân xem xét danh sách các tác gia văn học VN bằng con mắt thống kê, người ta đã phát hiện ra một nghịch lý vui vui(6): Đó là nhiều nhà văn nhà thơ VN thời trước nổi tiếng mà không có tác phẩm (đây là nói những tác phẩm dày dặn, có chất lượng đáng kể, được truyền tụng về sau và trở thành một đối tượng mô tả bắt buộc của các bộ từ điển).

Từ điển văn học Việt Nam do Lại Nguyên Ân biên soạn với sư cộng tác của Bùi Văn Trọng Cường có 276 mục dành cho tác giả trong khi chỉ có 132 mục dành cho tác phẩm. Từ thế kỷ thứ X đến hết thế kỷ XIX, tính đổ đồng, mỗi thế kỷ chỉ có 7 tác phẩm; riêng thế kỷ XIX khá hơn, có tới 68 tác phẩm được ghi vào từ điển, nhưng số tác giả cũng lớn hơn, tới 78 người.

Cái hiện tượng cây không trái này (đúng hơn, có thể là toàn những trái chua trái héo, không cần cho ai, đời sau không ai buồn nhớ) càng thấy rõ khi nhìn vào hàng ngũ các ông trạng—chúng tôi muốn nói tới trạng chính thống chứ không phải trạng theo nghĩa dân gian.

Theo Vũ Ngọc Khánh trong cuốn Kho tàng về các ông trạng VN (5) thì không kể triều Nguyễn không lấy trạng nguyên, các triều đại Lý Trần Lê có tới 47 người được phong trạng.

Nhưng phần lớn họ không có tên trong danh sách các tác gia nổi tiếng ở nước ta.

Ngược lại, xét chung các nhà sáng tác thơ văn, từ Nguyễn Du tới Nguyễn Đình Chiểu, từ Nguyễn Gia Thiều Phạm Thái cho tới Tú Xương, nhiều người không thuộc loại đỗ đạt cao.

Riêng về biên khảo, một học giả thực thụ như Phan Huy Chú, tác giả của bộ sách đồ sộ, mang tính cách tổng kết lớn, một thứ bách khoa toàn thư là Lịch triều hiến chương loại chí, chỉ đỗ đến tú tài.

Câu chuyện người đỗ không giỏi và người giỏi không đỗ không chỉ tố cáo sự kém cỏi của hệ thống giáo dục mà còn cho thấy một phần thực chất con người của nhiều ông trạng. Họ chính là điển hình của loại học trò thuộc bài, chỉ biết tầm chương trích cú rồi làm theo những khuôn mẫu sẵn có, nói chung là những cá tính tầm thường, không có quan hệ gì tới tư duy độc lập và sự sáng tạo.

Còn như muốn hiểu tại sao họ thi đỗ thì chúng ta có thể tìm đọc ngay những giai thoại về họ.



Ví như trường hợp Nguyễn Giản Thanh mà trong dân gian thường gọi là Trạng Me. Vũ Ngọc Khánh, trong sách đã dẫn, chép rằng lẽ ra ông này chỉ đỗ loại nhì (bảng nhãn), chẳng qua hôm vào yết kiến vua có cả mẹ nuôi vua ở đấy, bà này thấy Nguyễn Giản Thanh mặt mũi khôi ngô liền ngẫu nhiên hỏi: “Người này chắc là trạng nguyên ?“ do đó nhà vua, vì muốn chiều lòng mẹ nuôi, lấy Nguyễn Giản Thanh làm Trạng.

Đằng sau câu chuyện vui vui, có một sự thật, ấy là xưa kia, việc phong trạng dù được đề cao trên trời dưới biển ghê gớm như vậy, vẫn mang nhiều tính cách ngẫu nhiên tuỳ tiện; các vua chúa rất hay can thiệp vào công việc định giá, phong tặng; các danh hiệu đôi khi chỉ là sản phẩm của những cơn nóng lạnh bất thường của họ.

Là những cường hào phất lên nắm được quyền lực, họ chỉ dùng đám kẻ sĩ nửa mùa chung quanh như một thứ thư lại để sai vặt, và ban phát các chức danh để làm sang cho vương quốc mà họ là chủ.

Họ chỉ cần người trung thành chứ không cần người giỏi. Kẻ bề tôi càng tầm thường hèn hạ thì càng dễ sai bảo.

Chính cái loại trạng xin trạng nhặt được như thế này lại sẽ là người thích khoe khoang trước bàn dân thiên hạ về danh vị của mình.

Thói háo danh chỉ là một biểu hiện nhỏ của sự tha hoá con người -- một sự tha hoá không mạnh mẽ nhưng lại đều đều gặm nhấm cả bản lĩnh lẫn nhân cách.

BÀN THÊM VỀ “GIỚI THÔNG THÁI CHÂN ĐẤT”

Bước vào giai đoạn hội nhập, gần đây, những cuộc bàn cãi xuất hiện đều đều trên mặt báo ở ta cho thấy vấn đề về giới trí thức đang là mối quan tâm chung của xã hội. Điều này có lý do chính đáng của nó.Sự trì trệ kéo dài hàng ngàn năm mà đến nay ta vẫn lĩnh đủ có một nguyên nhân sâu xa: cộng đồng không hình thành nổi bộ phận tinh hoa (elite) của mình. Một chủ nghĩa bình quân tối đa đã níu kéo tất cả lại.

Có điều, không hẳn khi “ngửi” thấy tầm quan trọng của vấn đề là người ta đã nhận thức được nó đầy đủ.

Bằng chứng là nói tới trí thức, người ta thường nêu ra những yêu cầu lý tưởng đâu đâu với tầng lớp này, như đòi hỏi tính độc lập cao, khả năng phản biện để đóng góp mạnh mẽ cho xã hội, rồi từ đó đưa ra nhiều lời chê bai trong đó lời chê nặng nhất là “tư cách phò chính thống” của trí thức VN nói chung.



Tôi muốn thử đặt vấn đề theo một cách khác: liệu trong thực tế lịch sử chúng ta đã có một tầng lớp trí thức đúng nghĩa chưa? Nếu tạm thời chấp nhận là có một tầng lớp như vậy, thì quá trình hình thành của họ có đặc điểm gì? Tại sao họ dễ bị làm hỏng đến vậy?

Trước 1945, những Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, các tác giả có bài thường xuyên trên Đông dương tạp chí Nam phong Tri Tân Thanh Nghị… đã có ý kiến về vấn đề này mà chưa ai có dịp tổng kết.

Thời của chúng ta thì thế nào? Trên đây tôi vừa thử nhắc lại bài "Tính chất lưỡng phân, một nét đặc thù của trí thức Việt nam trong lịch sử" trong đó tác giả hé ra cho thấy vai trò của hoàn cảnh hình thành đã ảnh hưởng ngay tới trình độ và chất lượng thấp của trí thức VN ra sao.

Dưới đây xin tiếp tục nêu thêm lớp người có cách sống lặng lẽ ngoài luồng này.

Tuy không nói ra, nhưng có vẻ như với nhiều người, kẻ sĩ Việt Nam chỉ là một loại trí thức chân đất. Một số nhà nghiên cứu gần đây đôi khi còn đi tới những khái quát cực đoan hơn.

Trong một bài viết mang tên "Tâm lý dân tộc với cuộc Cải cách hành chính hiện nay"(6) nhà xã hội học lão thành Đỗ Thái Đồng cho rằng xã hội cổ truyền VN thiếu ba chỗ dựa cơ bản:

-- Không có giai cấp quý tộc trong khi có đông đảo đám quan lại nhất thời.

-- Không có tầng lớp trí thức để có được các trào lưu học thuật tư tưởng riêng. Rất hiếm thấy cái cốt cách như Lý Bạch“Thiên tử hô lai bất thượng thuyền”. Học để làm quan, tuyệt đại đa số kẻ sĩ đều mộng làm quan hơn là giữ vai trò thầy đồ… áo rách.

-- Không có lớp doanh nhân tung hoành về thương mại hay công nghệ trong nước cũng như ngoài nước.

Trong ba đặc điểm tôi cho là được nêu ra chính xác này, cái thứ hai liên quan đến chủ đề trí thức chúng ta đang nói.

Đáng nhắc nhở đầu tiên là trường hợp Nguyễn Trãi. Theo cách nói thông thường ông là trí thức hàng đầu của dân tộc. Nhưng bảo rằng ông là trí thức cũng đúng mà bảo rằng đây là người đứng trên đỉnh cao của bộ máy quyền lực cũng đúng.

Gia nhập chính trường, vốn liếng và bản lĩnh trí thức sẵn có trong ông hoạt động theo quy luật của nhà chính trị.

Cái chết của Nguyễn Trãi là bi kịch của một quan chức chứ không phải của một trí thức.

Trên nguyên tắc, ở ông đã có một sự chuyển đổi, dù không trọn vẹn.

Thuần tuý hơn về trí thức phải kể loại như Chu Văn An, Nguyễn Du... và rõ hơn là Nguyễn Thiếp. La Sơn phu tử có lúc ra cộng tác với chính quyền có lúc quay về ở ẩn. Và ông ở lại trong lịch sử không phải là những đóng góp phò vua giúp nước cụ thể, mà còn là những đề nghị phải cho dịch Tứ thư Ngũ kinh thế này, phải dạy cho trẻ học thế kia...

Trong suốt trường kỳ lịch sử, bao nhiêu kẻ sĩ ở Việt Nam đều được đào tạo theo hướng như Nguyễn Trãi, kể sao hết. Còn loại như Nguyễn Thiếp quá ít, không tạo nên hiệu quả ngay lập tức nên bị chìm trong vô danh và không thể đóng vai trò dắt dẫn xã hội như giới trí thức các xứ khác.

Không đạt đến chuẩn mực cần thiết. Còi cọc ốm yếu. Cấu trúc đã đơn giản lại dễ bị phá vỡ … Những bệnh trạng loại này phải được coi là đặc điểm lớn nhất của giới có học, những kẻ sĩ trong xã hội cũ và ngày nay kêu bằng trí thức. Ngay so với tình hình bên Trung Hoa, “kiểu dáng mẫu mã” trí thức của ta cũng nghèo nàn hơn rất nhiều.

Nói Việt Nam thuở ấy không có trí thức cũng tương tự như nói Việt Nam trong thời trung đại không có thành thị, mà chỉ có những phố chợ còm nhom hiu hắt, lắt lay tồn tại giữa một bãi lầy nông thôn tăm tối.

________________

Chú thích

(1) Roger Gal Lịch sử giáo dục, bản dịch Lê Thanh Hoàng Dân-- Trần Hữu Đức. NXB Trẻ-- Sài gòn, 1971

(2) Dẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư bản của nhà Khoa học xã hội 1983,tập II tr 296

(3) Nguyễn An Ninh Tính chất lưỡng phân, một nét đặc thù của trí thức Việt nam trong lịch sử Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 1998, số 1

Chú ý xin đừng lầm với Nguyễn An Ninh (1900-1943), nhà hoạt động xã hội ở đầu thế kỷ XX Có điều thú vị là nhà trí thức lớn Nguyễn An Ninh trước đây cũng từng nhận xét xứ ta là nơi mà “ chỉ với một chút xíu khoa học” người ta đã có thể tự coi mình là nhà thông thái, tương tự như “với hai xu trong túi, người ta đã trở thành những nhà giàu.” Khi lưu ý tình trạng nhiều người “cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui rúc trong một túp lều”, hình như ông muốn nói rằng tình trạng thiếu khát vọng và ý chí đã kìm giữ mãi chúng ta trong khung cảnh lạc hậu.

(4) Con số của Nguyễn Văn Tuấn trong bài viết in trên tạp chí Văn hoá nghệ thuật, 2003 số 3 .

(5) Nxb Văn hóa thông tin, H. 2002

(6) Trung tâm nghiên cứu tâm lý dân tộc -- Tâm lý Người Việt nam nhìn từ nhiều góc độ, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh,2000, tr.5

Chủ đề: Chính trị - xã hội, Lịch sử
Từ khóa: Vương trí nhàn, trí thức

Nguồn: Dân Luận

Saturday, June 27, 2020

Hai bản nhạc dành cho các bô lão và các bạn trẻ 'đã yêu - đang yêu - vẫn còn yêu'

Cuối tuần, mời quý bạn trái tim còn nồng nàn thưởng thức hai bài hát nổi tiếng đã trở thành 'cổ điển' của nền âm nhạc Mỹ

Đường dẫn: https://youtu.be/0LHmevWVvpc 

Đường dẫn: https://youtu.be/8rT46hVQHIA

Virus corona: BS Fauci nói Hoa Kỳ gặp 'vấn đề nghiêm trọng' với virus corona


Virus corona: BS Fauci nói Hoa Kỳ gặp 'vấn đề nghiêm trọng' với virus corona
2 giờ trước
(Tin tr
ên BBC tiếng Việt)

* Cách hành xử của Trump khiến ta có thể liên tưởng đến những tay chơi 'xì phé' trên chính trường!

Friday, June 26, 2020

Khu tự trị ở Seattle có ghê sợ như lời đồn? | Nửa Vòng Trái Đất TV (tham khảo)


Khu tự trị ở Seattle có ghê sợ như lời đồn? | Nửa Vòng Trái Đất TV
Đường dẫn: https://www.youtube.com/watch?v=WQ2qpI3eLJ4

Sergei Khrushchev, con trai lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev, qua đời ở Mỹ

Tin trên VOA tiếng Việt
Sergei Khrushchev, con trai lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev, qua đời ở Mỹ
26/06/2020
Hoài Hương-VOA

Trích:


Theo lý lịch cá nhân đăng trên trang web của Đại học Brown nơi ông giảng dạy, Sergei Khrushchev ra đời ngày 2/7/1935.Sergei Khrushchev là một Tiến sĩ khoa học kỹ thuật từng tham gia chương trình không gian của Liên Xô (1958-1968), thiết kế tên lửa hành trình cho tàu ngầm, xe tự hành trên mặt trăng và tên lửa đẩy UR-500 sau này gọi là ‘Proton’....Năm 1996, Sergei Khrushchev trở thành một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Watson, Brown University. Trường đại học này liệt kê lĩnh vực chuyên môn của ông gồm Lịch sử Liên bang Xô-viết, Liên Xô và Nga: Chính trị và Phát triển kinh tế; và vấn đề An ninh Quốc tế.Sergei Khrushchev sang định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1991, vào lúc Liên bang Xô viết đang tan rã. Ông giảng dạy môn Lịch sử Chiến tranh Lạnh tại Brown University ở Providence, Rhode Island.


Quý bạn nhấn vào hàng tiêu đề để đọc toàn văn trên VOA tiếng Việt

Mississauga chớm hè 2020


MỘT GIẢI PHÁP CHẤM DỨT VĨNH VIỄN NẠN ÁN OAN

MỘT GIẢI PHÁP CHẤM DỨT VĨNH VIỄN NẠN ÁN OAN

Trần Đăng Khoa
TRÊN FACEBOOK/MINDS 14 THÁNG SÁU, 2020

Bấy lâu nay, chúng ta đã cố gắng giảm thiểu nhằm tiến tới chấm dứt nạn án oan. Nhưng rồi án oan vẫn liên tiếp xảy ra. Vụ sau lại kinh hoàng hơn vụ trước. Bây giờ nhân dân cả nước và nhiều bạn bè quốc tế đang rất quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải. Tôi không nói Hồ Duy Hải bị oan hay không oan. Oan hay không phải chờ một phiên phúc thẩm sạch kết luận. Ngay cả tòa Giám đốc thẩm vừa rồi cũng đã khẳng định công tác điều tra, xét xử có nhiều thiếu sót nghiêm trọng. Cách lý giải của cán bộ điều tra Long An rất kỳ dị. Nhiều tình tiết phi lý. Họ không tìm được hung khí là con dao, "vì Hải dấu dao sau tấm bảng áp vào tường". Để dao đơn giản thế mà cả đội khám xét điều tra lại không tìm được ư? Khi thấy dao rồi họ vẫn không thu giữ bởi con dao không có máu vì “Hải đã rửa sạch”. Có cán bộ điều tra cấp tỉnh nào lại yếu kém và ngớ ngẩn đến thế không? Dù dao đã rửa, không còn máu nạn nhân nhưng chắc chắn có dấu vân tay của Hải. Làm sao mà họ lại bỏ qua được? Nếu có dấu vân tay của Hải ở hung khí giết người thì dù mẹ Loan của Hải có “vĩ đại” đến thế nào thì cũng không kêu oan được cho con. Chính họ cũng nói con dao là chứng cứ rất quan trọng, chứng tỏ Hải giết người mà sao họ lại không giữ, lại mua con dao ở chợ làm vật chứng mới lạ kỳ. Họ lý giải ngô nghê như nói với trẻ con bị thiểu năng mà Hội đồng Giám đốc thẩm lại nghe, lại thấy “vụ án có nhiều sai sót nhưng bản chất không thay đổi”, thì lại còn lạ hơn nữa. Ngay tình tiết Hải rửa sạch dao rồi dấu dao sau tấm bảng gỗ cũng rất khó tin. Ngay cả kẻ giết người chuyên nghiệp, mà giết đến cả hai người thì khó mà bình tĩnh được như thế. Tâm lý chung của tội phạm, sau khi gây án xong là phải nhanh chóng rút khỏi hiện trường. Rồi lẩn trốn. Đây là một vụ án có rất nhiều tai tiếng, vì không có chứng cứ kết tội nào có sức thuyết phục mà bị can lại bị tuyên mức án cao nhất là tội tử hình, nên mọi người mới quan tâm. Rất nhiều người dân cũng tham gia phá án, đặc biệt là các nhà báo và họ phát hiện ra rất nhiều tình tiết vô lý. Họ cũng đã cùng luật sư bảo vệ Hải, căn cứ vào khám nghiệm tử thi của cơ quan điều tra, nghiên cứu vết cắt trên cổ nạn nhân mà phát hiện ra kẻ giết người thuận tay trái mà Hải thì thuận tay phải. Rồi họ còn căn cứ lời khai của bị can và kết quả điều tra của cơ quan chức năng, mà thực nghiệm thị sát hiện trường rồi nhận ra rằng, Hải không thể có mặt được ở bưu cục Cầu Voi để gây án trong thời gian hai cô gái bị sát hại. Nếu có mặt thì Hải phải phóng xe máy với tốc độ 300 km/giờ. Có ai làm được điều ấy ở cung đường gồ ghề rất xấu trong thời điểm đó với tốc độ như vậy không? Bao nhiêu phi lý. Nhìn đâu cũng thấy phi lý.


Nhưng thôi, ta hãy tạm để vụ Hồ Duy Hải lại để chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng, chắc cũng không còn lâu nữa. Vì mọi việc đã quá sáng tỏ. Ta hãy bàn về những vụ án oan đã được tòa phán quyết rõ ràng và cái ta quan tâm ở bài viết này là làm sao chấm dứt vĩnh viễn nạn án oan.
Rất nhiều người đã bàn về vấn đề này. Có người đề xuất, để tránh bức cung, cần có camera ở phòng hỏi cung. Nhưng có camera, người ta vẫn có thể cắt tỉa, như biên tập một đoạn phim để phát hình thì cũng vẫn nguy hiểm. Tôi cũng đã đề xuất, cùng với camera, phải có luật sư tham gia ngay từ đầu. Luật sư ấy phải do gia đình nghi can đề xuất, như luật sư Trần Hồng Phong, chứ không phải luật sư Quyết bên điều tra đưa ra để đẩy nghi can vào cửa tử như ở vụ án Hồ Duy Hải. Không có mặt luật sư, nghi can có quyền không trả lời cán bộ điều tra. Mặt khác chúng ta cũng phải có một chế tài đủ mạnh để chấm dứt những nỗi oan tày trời trong công tác tố tụng này. Rất nhiều người Việt cả ở trong nước và ngoài nước, nhưng tôi đặc biệt chú ý đến ý kiến của ông Trần Nhuận Minh. Cứ như lời ông Minh, thì chỉ đến bây giờ, khi đời sống dân sự được cởi mở hơn và nhà nước ta cũng quan tâm hơn đến lẽ công bằng của pháp luật, các vụ án oan sai mới được nói tới khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có nhiều vụ oan sai lớn, mà nổi bật là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, ngồi tù oan đến hơn 10 năm, vụ đó vừa mới được giải quyết, thì lại cồn lên vụ ông Huỳnh Văn Nén đã ngồi tù oan đến hơn 17 năm. Ông Nén còn được báo chí mệnh danh là “người tù thế kỉ”. Không biết các vị thế nào, chứ tôi nghe 4 chữ đó, thấy xót xa đến tận đáy lòng. Cụ Huỳnh Văn Truyện, cha của ông Nén trong suốt 10 năm phải bán nhà bán đất, bán hết cả tài sản để lấy tiền kêu oan cho con, chạy kêu suốt từ Cà Mau tới Hà Nội. Lại càng kinh hãi khi vụ việc đó đã biết sai từ năm 2000, vậy mà 15 năm sau mới được làm rõ. Ngành pháp chế của ta với bao thành tích huy hoàng, sao việc này lại để chậm chễ đến mức không ai có thể tin được. Đúng là bệnh vô cảm cần phải được lên án nghiêm khắc. Nỗi đau của người khác thì mình có coi là cái gì đâu. Ông Nén nói một câu rất sâu sắc: “ Chỉ cần tù oan một ngày là đã tan nát cả một cuộc đời”. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “ Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài / Câu nói người xưa đâu có sai”. Nếu cứ lấy ý cái ý “đâu có sai” của Bác Hồ ra mà tính, thì hơn 17 năm tù oan của ông Nén bằng hơn 6. 205 ngàn năm. Vậy mà chỉ xin lỗi 30 phút và lấy tiền thuế của Dân ra bồi thường mà được ư? Chưa nói chi tiền Dân để trả giá cho sai lầm của quan tòa là đúng hay sai, và nếu chi trả tiền tù oan cho ông Nén 1 năm là 1 tỉ đồng là nhiều hay ít? Hãy nói: Nếu quan tòa xử oan vụ này cũng đi tù 17 năm, sau đó nhận 300 phút (chứ không chỉ 30 phút) xin lỗi và nhận đền bù 170 tỉ đồng (chứ không phải 17 tỉ đồng), liệu vị quan tòa đó có “vui vẻ lên đường nhận nhiệm vụ” hay không? Không thể đổ sai lầm đó cho nhà nước hay cho Dân để lấy tiền của Dân ra mà đền. Lấy tiền thuế của Dân ra mà chi trả cho sai lầm của quan tòa, là giải pháp không thể chấp nhận được. Chỉ có “vừa đá bóng vừa thổi còi” mới yên lòng với một cách xử sự như vậy thôi. Bây giờ, đi làm nhiệm vụ của nhà nước, vào nghỉ tại nhà khách cơ quan, nếu vô ý đánh vỡ một cái phích, theo nội qui, anh vẫn phải bỏ tiền túi ra mà đền, cơ mà. Vậy đánh vỡ cả một đời người ta, sao lại không? Sao anh lại phủi tay, hạ cánh an toàn được? Có ai không thấy điều ấy là “vô lí đùng đùng” không?
Chúng ta thấy sự cố gắng của Đảng và nhà nước ta, trong việc hạn chế những oan sai, nhưng sự thực cho thấy là oan sai không hề giảm. Vì sao? Vì ta chưa có một chế tài đủ sức răn đe. Vẫn là “giơ cao đánh khẽ”, vì thực ra là mình xử mình thôi, lấy tiền của Dân – tức là “của bà vãi đãi ông sư”, mình có mất tiền đâu mà “quan ngại”. Việc cho đến tận bây giờ, Nhà nước ta vẫn “quá gượng nhẹ” với các quan tòa xử oan cho dân – kể cả oan kinh hoàng – là tử hình” – thực chất đã làm cho lòng dân thêm mất tin tưởng vào sự công minh của pháp luật và vào Đảng cầm quyền. Các cụ xưa nói “ giết người thì phải đền mạng” . Và tòa đã xử nhiều vụ tử hình về tội giết người. Vậy một kiểu “giết người” như cách xử của tòa thì sao (nghĩa đen – như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, nếu không là gia đình liệt sĩ thì ông đã bị tử hình rồi)?
Cho nên, chúng tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung vào luật Hình sự “ Nếu xử oan sai một vụ án, thì Chánh tòa phải chịu 50 % mức tù mà chính Chánh toà đã tuyên và trả 50 % tiền bồi thường cho nạn nhân, nếu tù tử hình oan thì chánh án phải tù từ 15 đến 20 năm đúng như tử tù, (nghĩa là ở phòng giam vẫn bị cùm chân) và trả 75% tiền bồi thường cho nạn nhân”.
Như thế là rất phải chăng, vừa có lí, lại vừa có tình. Và nếu ta đưa điều đó vào luật tố tụng và luật đó có hiệu lực, tôi tin chắc rằng, việc gây ra những “Lệ chi viên” ở thời đại tốt đẹp của chúng ta, chả cần phải “quán triệt” hay “ học tập” gì, nhất định sẽ giảm hẳn, thậm chí sẽ vĩnh viễn chấm dứt.

Nguồn: FB Trần Đăng Khoa

Thursday, June 25, 2020

Các thượng nghị sĩ kêu gọi áp dụng các lệnh trừng phạt của Đạo luật Magnitsky đối với các quan chức Trung Quốc vì 'hành vi bạo ngược'

Các thượng nghị sĩ Canada kêu gọi áp dụng các lệnh trừng phạt của Đạo luật Magnitsky đối với các quan chức Trung Quốc vì 'hành vi bạo ngược'

Ngày 24 tháng 6 năm 2020

Hơn một chục thượng nghị sĩ - bao gồm một số do Thủ tướng Justin Trudeau bổ nhiệm - đang kêu gọi chính phủ liên bang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì "vi phạm thô bạo nhân quyền và các quyền tự do cơ bản".

Trong một lá thư ngày 23 tháng 6 gửi cho Trudeau cùng được viết bởi Tns Ngô Thanh Hải và Leo Housakos , cùng ký tên với 11 người khác, các nghị sĩ cho rằng Canada nên có lập trường chống lại Trung Quốc.

Trích dẫn việc Trung Quốc giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, việc đàn áp các quyền dân chủ ở Hồng Kông, đàn áp Tây Tạng kéo dài hàng thập kỷ và giam cầm các công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig, các thượng nghị sĩ mô tả chế độ ở Bắc Kinh là "mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại và một nguy hiểm cho an ninh quốc tế. "

Các thượng nghị sĩ nói rằng cách tốt nhất để Canada phản ứng với "hành vi bạo ngược" của Trung Quốc là áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản sử dụng Luật Sergei Magnitsky. Luật pháp cho phép chính phủ áp đặt các hạn chế tài chính và các hạn chế khác đối với các công dân nước ngoài chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với việc vi phạm các quyền con người được quốc tế công nhận.



Tin nóng theo https://ca.news.yahoo.com/senators-call-magnitsky-act-sanctions-190325084.html: Phản ứng của các nghị sĩ Canada về hành xử ngược ngạo của Nhà cầm quyền cộng sản tại Hoa lục nhân vụ 2 công dân Canada bị bắt giam tùy tiện.

Jacquou họ Trịnh

Jacquou họ Trịnh
Bởi Admin25/06/2020

Hồ Phú Bông
Tác giả gửi tới Dân Luận

Jacquou là tên nhân vật chính trong tác phẩm Jacquou le Croquant của nhà văn Pháp Eugène Le Roy, xuất bản từ năm 1899. Gia đình ông bà cha mẹ Jacquou có truyền thống chống áp bức trong xã hội phong kiến đương thời. Jacquou là một nông dân trẻ làm cách mạng chống bọn ác quỷ quí tộc “the story of a young peasant who leads a revolt against an evil nobleman”. Truyện được truyền hình Pháp thực hiện thành phim năm 1969.

Có thể sự loạng choạng chính trị từ sau 1975 khi người dân cả nước “sáng mắt sáng lòng” về sự Tự do Dân chủ và sung túc tại miền Nam. Có thể vì sự thật hiển hiện trước mắt đó tự nó đưa đến nghi ngờ về việc bị đảng tuyên truyền “miền Nam bị bọn đế quốc Mỹ và tay sai áp bức và bóc lột”. Do đó phải phổ biến hình ảnh nông dân Jacquou làm cách mạng ngay tại phương Tây, cái nôi của chủ nghĩa tư bản, để xác định đảng đang đi đúng hướng? Phim thu hút được người xem giữa thời buổi chập choạng lúc bấy giờ.



Tựa bản dịch là Người Nông Dân Nổi Dậy, đã hẳn chế độ muốn xác định lại “họ chính là đại diện cho công nhân, nông dân làm cách mạng chống bọn đế quốc bóc lột”!

Hiện tại, 45 năm sau 1975, “cách mạng chống áp bức và bóc lột” đã “thành công” đến mức độ nào thì xin hãy xem hình ảnh công an cắt khóa cửa, bắt 3 trụ cột của gia đình nông dân Trịnh Bá Khiêm, tự nó là câu trả lời chính xác!

Việc tranh đấu của gia đình nông dân Cấn Thị Thêu, mẹ của Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, là câu chuyện dài, có sẵn trên mạng. Và sẽ còn rất dài. Cứ vào Google gõ khơi khơi Cấn Thị Thêu trong vòng 0,53 giây sẽ xuất hiện 199.000 kết quả.

Vấn đề ở đây là, chế độ hiện tại tự nhận là “người đại diện cho công nhân, nông dân chống áp bức và bóc lột” nhưng đã và đang biến gia đình nông dân Cấn Thị Thêu từ nông dân chân chính trở thành các nhà đấu tranh chống áp bức và bóc lột. Họ đang là biểu trưng cho tiếng nói phản kháng quyết liệt của nông dân với chế độ!

Khởi đầu phong trào phản kháng quyết liệt nầy từ tiếng súng hoa cải của nông dân Đoàn Văn Vươn tại đầm Cống Rộc. Ông Đoàn Văn Vươn quyết giữ đầm do công sức gia đình quai đê lấn biển hợp pháp gây dựng tại Tiên Lãng, Hải phòng, ngày 5/1/2012. Tiếp đến là tiếng súng của ông Đặng Ngọc Viết, nổ ngay tại văn phòng Trụ sở UBND thành phố Thái Bình, ngày 14/9/2013, mà hoàn toàn không phải vì tư thù cá nhân.

Những tiếng súng đó phải được hiểu là bắn thẳng vào bản chất chế độ với luật đất đai. Nạn nhân trên danh nghĩa là “được đền bù thu hồi đất” nhưng sự thật là bị cướp, do đảng đồng lõa với nhóm lợi ích.

Thời gian đằng đẵng từ Văn Giang, Dương Nội, Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng và vô số kể những mảnh đời oan trái vì bị áp bức, cướp đất trên cả nước. Mới và đang rất gay cấn là vụ 3000 công an tấn công xã Đồng Tâm xử tử và phanh thây cụ Lê Đình Kình, người lãnh đạo tinh thần Đồng Tâm quyết giữ đất Đồng Sênh. Nông dân Trịnh Bá Phương là người gắn bó mật thiết với sư kiện đã đưa tin cực nóng về hành động man rợ đó ra công luận ngay từ ngày Đồng Tâm còn nội bất xuất, ngoại bất nhập! Vì thế cá nhân Trịnh Bá Phương là cái gai trong mắt đảng!



Chế độ “ưu việt” ở chỗ họ biến không biết bao nhiêu gia đình từ chủ nhân trở thành “dân oan” trên cả nước!

Hôm qua, 24/6/2020, ngay tại thời điểm công an đang dùng kiềm cắt khóa cửa nhà, nông dân Trịnh Bá Phương bình tĩnh tường thuật cho đến giây phút cuối trước khi bị còng tay. Anh mô tả sự việc đang xảy ra và xác nhận với công luận tình trạng sức khỏe anh rất tốt, nên nếu bị chết là do công an giết chứ không phải anh tự tử như hơn 200 nạn nhân chết tại đồn mà báo cáo của công an thường cho là “nạn nhân tự tử”. Anh yêu cầu không chôn xác, để minh chứng tội ác của cộng sản!

Can đảm và minh bạch ngay trong giây phút căng thẳng tột độ như vậy tự nó đã xác định anh chính là Jacquou trong phim Người Nông Dân Nổi Dậy!

Nhưng Jacquou Trịnh Bá Phương đang ở thì hiện tại. Là người thật, việc thật. Không phải là nhân vật của phim.

Đảng từng dùng hình ảnh Jacquou của phim để tuyên truyền. Coi Jacquou là biểu trưng cách mạng thì tại sao còng tay một Jacquou bằng xương bằng thịt trước mắt?

Vì thế, cho dù có dùng cả hệ thống báo chí tuyên truyền nhồi sọ cũng không thể xuyên tạc được hình ảnh Jacquou Trịnh Bá Phương. Hơn thế nữa, với dòng chảy thông tin cuồn cuộn và bất tận của internet thì cho dù đảng có sức mạnh khổng lồ cũng vô phương ngăn chặn hay bóp méo được sự thật.

Có điều, Jacquou trên phim thọ được 90 tuổi, còn tuổi thọ Jacquou Trịnh Bá Phương và cả gia đình họ Trịnh thì, phần nào đó, rất cần đến sự hợp lực tranh đấu bền bỉ của mọi người. Vì yêu cái Thiện Lành phải chống cái Độc Ác cho đến tận cùng.

(24/6/2020)

Chủ đề: Chính trị - xã hội
Từ khóa: Hồ Phú Bông, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu

Cha của Trịnh Bá Phương kể về việc con trai và vợ bị bắt

Cha của Trịnh Bá Phương kể về việc con trai và vợ bị bắt

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt


Ông Khiêm chia sẻ rằng tâm trạng của ông hiện giờ là "hoàn toàn bình tĩnh đón nhận"."Gia đình tôi đã đón nhận từ trước rồi. Đấu tranh với bọn cộng sản này thì không thể nhanh vội được... Tôi tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng trong tương lai. Bọn cộng sản này là bọn ăn cướp, cướp bóc của dân và hà hiếp tiếng nói của dân sẽ phải trả giá.""Gia đình tôi đã bàn bạc từ trước, rằng khả năng họ sẽ bắt ba người, tối đa là bốn người. Tôi cũng xác định từ trước. Chấp nhận mọi vấn đề xảy ra với gia đình, bị thủ tiêu hay bị đánh đập thì về sau sẽ có những người dân Việt Nam khác đòi lại công lý cho gia đình chúng tôi."Được hỏi vì sao gia đình ông lại đi đến quyết định chấp nhận kể cả tù đày hay cái chết, ông Khiêm nói:"Chúng cướp hết đất của chúng tôi ở Dương Nội. Cả một làng quê mà chúng tàn phá sạch, cướp đất để bán. Chúng trả cho người dân chúng tôi 200 ngàn đồng/mét vuông, chúng rao bán trên mạng giá khởi điểm 31.500.000 đồng/mét vuông. Chúng đàn áp, bỏ tù gia đình tôi, đánh đập cha con tôi nhiều lần."Gia đình ông Khiêm dự kiến sẽ thuê luật sư, nhưng 'không thuê nhiều như lần trước'."Trước đây trong lần vợ tôi là Cấn Thị Thêu bị bỏ tù, có tới 5 luật sư tình nguyện bào chữa. Nhưng bọn tòa này nó không bao giờ lắng nghe luật sư. Chúng chỉ ngồi nhí nha nhí nhố ở đó rồi kết án. Dù luật sư đưa ra lý lẽ rất chắc chắn nhưng tòa không nghe. Không có tội cũng kết tội. Nên không cần thiết phải thuê quá nhiều luật sư làm gì.""Chỉ thuê luật sư với tính chất liên hệ giữa gia đình và trại giam thôi."

Quý bạn nhấn vào hàng tiêu đề để đọc toàn văn.

Tuesday, June 23, 2020

Tòa án Việt Nam lạc điệu với tiến bộ xã hội?

Tòa án Việt Nam lạc điệu với tiến bộ xã hội?

LS Ngô Ngọc Trai

Gửi cho BBC từ Hà Nội
23 tháng 6 2020

Trích:
Rõ ràng là những tiêu chuẩn, quy chuẩn xét xử, lề lối làm án lâu nay, tương thích với một giai đoạn chính quyền chuyên chính, xã hội tương đối lạc hậu, thì cái quy trình tiêu chuẩn đó có môi trường không gian đề tồn tại.Nhưng khi đời sống kinh tế xã hội đã phát triển, trình độ nhận thức của người dân đã tiến bộ, người dân có ý thức về an ninh an toàn cá nhân và nhu cầu về công lý xã hội, thì sẽ đặt ra đòi hỏi cao hơn ở phía quản lý nhà nước nói chung và công tác xét xử nói riêng.Không nhận thức ra điều đó ngành Tòa án sẽ lưu giữ những lạc hậu và hành xử lạc điệu với tiến bộ xã hội.

Monday, June 22, 2020

Thanh tra và doanh nghiệp


Thanh tra và doanh nghiệp

Vũ Kim Hạnh
Chủ nhật, 21/6/2020, 23:11 (GMT+7)

Một nông trại 200 nhân viên đang hoạt động hết công suất, bỗng bị kiểm tra, rồi thanh tra.

Đó là một thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam, được giới doanh nghiệp và cả giới quản lý nhà nước thừa nhận từ lâu như mô hình làm ăn chuẩn chỉ, đàng hoàng hàng đầu trong cả nước. Trên 152 hecta, 87% diện tích để trồng trọt; số đất còn lại dùng cho nhà máy sơ chế, sản xuất vi sinh, hệ thống tưới tiêu, nhà công nhân... Mỗi ngày, doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cho nhà máy rau củ sấy và 3 tấn rau củ hữu cơ cho các siêu thị ở TP HCM, Bình Dương.

Cuối năm 2019, doanh nghiệp bị kiểm tra. Rồi vừa tạm hết dịch, công ty tái khởi động sản xuất thì thanh tra đến. Nhiều ngày, các cán bộ các sở của tỉnh xuống doanh nghiệp, lục tung sổ sách trong suốt mười mấy năm, cầm thước đi đo từng mét vuông đất với thái độ ngang nhiên, đe dọa cán bộ nhân viên. Chủ công ty nói với tôi: "Doanh nghiệp dù tuân thủ chặt chẽ pháp luật vẫn luôn lo âu vì có thể gặp rủi ro. Chúng tôi sợ nhà nước, địa phương sẵn sàng thay đổi quy hoạch sử dụng đất đai một cách bất chấp. Họ bảo rằng họ có toàn quyền định đoạt".

Vì vừa là bạn, là đối tác trong một số hoạt động với doanh nghiệp này, tôi và vài anh chị được biết và theo dõi vụ việc từ cuối năm 2019. Mới đây, tôi được nghe lại cuộn băng ghi âm buổi làm việc giữa Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh - chính quyền nơi đang thanh tra doanh nghiệp - với đoàn nhà báo để làm rõ thông tin liên quan đến sự việc.

Khi nhà báo đặt câu hỏi rằng vì sao chính quyền lại thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong khi họ không vi phạm bất cứ quy định pháp luật nào, vị đại diện sở nói: "Vì có một cử tri dưới xã đề nghị thu hồi đất của công ty để làm khu dân cư, tạo tiềm lực phát triển kinh tế cho xã". Cử tri đó là ai? Không biết. Nhưng ý kiến cử tri này "có trong biên bản của tỉnh", và tỉnh chỉ đạo sở phải trả lời cử tri không có tên kia. "Tỉnh giao thì phải làm. Mà kiểm tra là đúng, muốn biết thu hồi đất được hay không thì phải đi kiểm tra", vị lãnh đạo sở nói: "đó là chuyện quá bình thường!".

Kết quả kiểm tra lần thứ nhất của tỉnh: không có cơ sở thu hồi đất vì doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất một lần cho 40 năm, đóng từ hơn mười năm nay, và họ làm ăn phù hợp quy hoạch và đúng theo mọi quy định. Song, doanh nghiệp phải chịu thanh tra tiếp tục. Lý giải lý do vì sao, vị lãnh đạo sở dõng dạc: "vì còn yêu cầu thứ hai của cử tri". Cử tri đó muốn phải lập khu dân cư. Mà muốn xem có lập được khu dân cư không thì phải kiểm tra xem doanh nghiệp kia làm ăn có hiệu quả không. "Nếu làm cái này không hiệu quả thì phải chuyển qua làm cái khác. Dân đòi lập khu dân cư thì phải đánh giá hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả làm ăn. Như vậy phải nhiều ngành cùng vào kiểm tra, Sở kiến nghị tỉnh đưa đoàn thanh tra đa ngành xuống cũng là điều bình thường", vị cán bộ khẳng định.

Bà tiếp rằng, bởi vì thấy doanh nghiệp "không đóng góp gì cho địa phương phát triển nên dân mới thắc mắc, mà dân đề nghị thì chúng tôi phải kiểm tra". Rồi bà nhấn mạnh: "Đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý, dân và doanh nghiệp chỉ có quyền sử dụng. Cần quy hoạch lại thì nhà nước quy hoạch. Quyền quy hoạch sử dụng đất, định hướng sử dụng đất là quyền của nhà nước, thấy cần thì quy hoạch, cũng là việc làm bình thường".

Nghe băng đến đây, tôi giật mình: trong lịch sử quan hệ giữa cán bộ nhà nước với dân, lần đầu tiên tôi thấy có một cử tri "vô hình", không có tên tuổi mà quyền lực vô biên đến thế. Nhiều năm làm việc với doanh nghiệp, doanh nhân, tôi tin nhiều người cũng như tôi, hiểu rằng việc sản xuất của doanh nghiệp sau khi được cấp phép kinh doanh nếu làm ăn đúng quy hoạch, đúng pháp luật, đóng đủ các loại thuế thì cớ sao còn phải "đóng góp cho kinh tế xã hội riêng của địa phương" - cái này là cái gì?

Khi Thủ tướng chỉ đạo phải tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, phục hồi sau dịch, cũng là để tạo bệ phóng cho nền kinh tế, thì doanh nghiệp nhận quyết định thanh tra của chủ tịch tỉnh mà không hiểu vì sao. Khi trên Nghị trường, Quốc hội vừa thông qua Luật doanh nghiệp sửa đổi, thì ở địa phương, doanh nghiệp phải chật vật mỗi ngày lục tung giấy tờ suốt mười mấy năm hoạt động theo thanh tra yêu cầu.

Thực trạng thu hồi đất nông nghiệp của dân để giao cho công ty địa ốc phân lô bán nền đã trở thành vấn nạn lớn của xã hội, báo động sự thu hẹp đất nông nghiệp quốc gia chỉ vì có những nhóm chạy theo lợi nhuận quá lớn. Nhiều tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp gần đây cũng đã phản đối quyết liệt hàng loạt hành xử mà như báo chí gọi là "cơn lốc lấy đất nông nghiệp để phân lô bán nền" ở Đà Lạt, Nghệ An, Quảng Ngãi (ở Hợp tác xã Khai thác hải sản Nghĩa An hay Hợp tác xã rau Hợp Nghĩa, Tân Nam). "Cơn lốc" đó giờ đã tấn công cả các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ cao, đã vận hành cả chục năm và chứng minh được tính đúng đắn.

Tôi tin hầu hết các gia đình Việt Nam đều ưa chuộng sản phẩm của công ty này. Họ đã đầu tư rất bài bản, nếu không nói bài bản nhất về chiến lược và mô hình chuỗi, kiên trì cải tạo đất, đầu tư giống, phân bón vật tư vi sinh, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư các chứng nhận hữu cơ là những tiêu chuẩn khó khăn nhất của cả châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc và đang xuất khẩu rất tốt. Tôi không hiểu tại sao từ một ý kiến có thể ngẫu hứng, cảm tính và rất sai trái là đòi thu hồi đất cua doanh nghiệp để xây khu dân cư mà Sở Tài Nguyên và Môi Trường lại "riu ríu" đi kiểm tra doanh nghiệp rồi tiếp tục đề xuất thanh tra và làm khó dễ người sản xuất.

Việc đối xử với doanh nghiệp sai Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và cả Luật Thanh tra như trên cho thấy: tình trạng trên bảo dưới không nghe là có thật, bất chấp đường lối, chủ trương phát triển kinh tế của Đảng và nhà nước. Cách làm và lý lẽ ngang ngược của họ đã và đang "phản kích" quyết liệt chủ trương đổi mới nông nghiệp, làm nông bền vững an toàn và đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp Việt Nam. Họ, vì đâu, gửi đi một tín hiệu, cứ triệt hạ chẳng chút phân vân những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng.

Sẽ còn bao nhiêu doanh nhân có khát vọng vươn lên phải thất vọng ra đi vì bị phản bội lý tưởng và niềm tin "dốc sức xây dựng đất nước qua đầu tư cho nông nghiệp đổi mới"? Nhiều nhà đầu tư đang hồi hộp theo dõi, nếu một mô hình khá tròn trịa và nổi tiếng như vậy cũng bị vô cớ "tấn công" và tìm cách "xóa bỏ" dễ dàng thì tiền lệ này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến nhiều nhà đầu tư khác đang nỗ lực đóng góp cho nền kinh tế nông nghiệp còn non trẻ của chúng ta.

Vũ Kim Hạnh
___________

L
ời bàn phiếm của 'thiền sư' SĐ-NTC: Làm ăn ở điạ phương thuộc CHXHCNVN mà không biết điều 'phải quấy' với điạ phương cũng bị phiền nhiễu lắm!