Friday, June 5, 2020

Luật tố tụng - nếu cỗ máy bị vận hành lỗi...(tham khảo)

Luật tố tụng - nếu cỗ máy bị vận hành lỗi...

TS. Đinh Thế Hưng (*)
Thứ Năm, 4/6/2020, 10:48

(TBKTSG) - Pháp luật của một quốc gia bao giờ cũng bao gồm luật nội dung và luật thủ tục. Hiểu một cách đơn giản nhất, luật nội dung quy định các quyền, còn luật thủ tục là để thực hiện các quyền đó. Quyền tự do kinh doanh cần có thủ tục để người dân thực hiện quyền đó. Nếu ví luật nội dung như cái xe thì luật thủ tục như con đường. Chỉ chú ý đến luật nội dung (quy định các quyền) mà không chú ý đến luật thủ tục thì như mua xe mà không làm đường cho xe chạy.



Pháp luật nội dung, dù hay đến đâu, mà không có quy định về thủ tục thì cũng nằm chết cứng trên giấy. Người dân có quyền mà không thực hiện được quyền bởi rào cản luật thủ tục.

Tố tụng hình sự là hoạt động đặc biệt của nhà nước, ở đó quyền lực nhà nước thể hiện mạnh mẽ nhất. Khi vụ án được khởi tố cũng là lúc khởi động cỗ máy tố tụng hình sự. Cỗ máy chuyển động với tốc độ cực lớn, bởi động cơ của nó là quyền lực nhà nước với mục đích phát hiện, trấn áp tội phạm.

Nếu kết cấu và cơ chế vận hành cỗ máy đó (luật tố tụng) lạc hậu, không được kiểm soát, thì nó có thể gây tai nạn cho những người lương thiện khi bị cuốn vào vòng quay tố tụng. Nó cũng có thể gây tai nạn cho chính các công nhân đang vận hành nó, là những người tiến hành tố tụng khi vận hành hệ thống pháp luật tố tụng bị lỗi.

Một hệ thống luật tố tụng hoàn hảo và được các nhân viên công lực nghiêm chỉnh thực hiện, sẽ đảm bảo cho tính chính danh của nhà nước, uy tín của cả nền tư pháp. Kể từ khi cải cách tư pháp được khởi xướng cách đây gần 20 năm, các giá trị tiến bộ, văn minh trở thành chuẩn mực quốc tế đã từng bước được cài đặt trong tố tụng hình sự của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy có những vụ án bị dư luận phản ứng không chỉ là việc xử lý các bị cáo bao nhiều năm tù, mà ở chỗ thủ tục tiến hành tố tụng các vụ án đó chưa làm cho người ta tin tưởng về kết quả đúng đắn của các phán quyết của tòa án.

Theo phương pháp Legal Issues mà các trường đại học Mỹ dạy cho các luật sư, quá trình giải quyết vụ án là việc đi giải quyết các câu hỏi pháp lý được đặt ra.

Nếu kết cấu và cơ chế vận hành cỗ máy đó (luật tố tụng) lạc hậu, không được kiểm soát, thì nó có thể gây tai nạn cho những người lương thiện khi bị cuốn vào vòng quay tố tụng. Nó cũng có thể gây tai nạn cho chính các công nhân đang vận hành nó, là những người tiến hành tố tụng khi vận hành hệ thống pháp luật tố tụng bị lỗi.
Câu hỏi đầu tiên của bất cứ vụ án nào đều là bị cáo có tội hay không có tội? Vấn đề là thế nào là có tội? Tố tụng hiện đại chia thành hai loại: có tội thực tế và có tội pháp lý. Có tội thực tế là thực tế một người đã phạm tội. Có tội pháp lý là sự thật một người phạm tội được chứng minh tại tòa án bằng thủ tục tố tụng công bằng và hợp pháp (được bào chữa, tranh tụng, suy đoán vô tội, bảo vệ các quyền, các chứng cứ kết tội đều đảm bảo tính hợp pháp). Cái mà tòa án quan tâm đó chính là phạm tội pháp lý. Trong một số vụ án gần đây, vấn đề này chưa được thể hiện rõ ràng trong một số bản án kết tội, thậm chí là bản án tử hình gây phản ứng của xã hội.

Câu hỏi tiếp theo: thế nào là đã chứng minh được một người có tội. Tố tụng hiện đại có nguyên tắc nói về giới hạn chứng minh là: chứng minh cho đến khi nào vượt qua được nghi ngờ hợp lý (Beyond a reasonnable doubt). Một vụ án gần đây có hàng loạt các nghi ngờ hợp lý được kháng nghị của Viện Kiểm sát chỉ ra, nhưng chưa được làm rõ thì việc kết luận một người giết người rõ ràng chưa thuyết phục.

Vậy chứng minh bằng cách nào? Có nhiều cách thức, nhưng tốt nhất hiện nay là đảm bảo tranh tụng. Tranh tụng lấy bình đẳng gỡ tội - buộc tội, sự độc lập của tòa án làm tiền đề. Chứng minh bằng cái gì? Đương nhiên là bằng chứng cứ. Nói cách khác, chứng cứ là phương tiện để chứng minh. Thế nào là chứng cứ? Không phải mọi thông tin tòa án có được đều mặc định là chứng cứ, mà phải khoác lên đó cái áo hợp pháp. Nguyên tắc “quả của cây độc thì không dùng được” (Fruit of the poisonous tree) là cách nói hình ảnh giá trị của chứng cứ. Logic của thuật ngữ là nếu nguồn (cây) của bằng chứng hoặc bằng chứng bị nhiễm độc, thì bất cứ thứ gì thu được (quả) cũng bị nhiễm độc và sẽ không dùng được. Nguyên tắc này bắt nguồn từ án lệ Weeks v. United States, 232 U.S. 383 (1914). Ngày 21-12-1911, cảnh sát ở Kansas City, Missouri đã bắt giữ Fremont Weeks vì vận chuyển bất hợp pháp vé số. Sau đó, cảnh sát đã đến nhà Weeks để khám xét, thu giữ nhiều đồ vật và quan trọng là không có lệnh. Weeks kiện cảnh sát vì đã sử dụng các tài liệu bất hợp pháp để kết tội anh ta. Tòa án Tối cao Mỹ đã tuyên Weeks thắng kiện và phán quyết đó trở thành nguyên tắc “loại trừ chứng cứ” được áp dụng trong tố tụng hình sự của Mỹ, theo đó nếu một chứng cứ mà cơ quan công quyền đưa ra để buộc tội được thu thập một cách trái phép, vi phạm các quyền hiến định của bị can, thì chứng cứ đó sẽ bị loại khỏi quá trình xét xử và không được dùng làm chứng cứ chống lại bị can.

Những vụ án gần đây cho thấy, những vấn đề mang tính cốt lõi, căn bản của tố tụng hiện đại chưa được khẳng định hoặc rất dè dặt trong tố tụng hình sự của Việt Nam. Chẳng hạn nguyên tắc bình đẳng trong thu thập chứng cứ giữa bên buộc tội và gỡ tội, bình đẳng trong giá trị chứng cứ mà bên buộc tội và gỡ tội cung cấp tại tòa, nguyên tắc tự do đánh giá chứng cứ... chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh mờ nhạt trong khuôn khổ một Bộ luật Tố tụng hình sự. Từ thực tiễn đó, đặt ra nhu cầu cần có một đạo luật riêng về chứng minh, chứng cứ trong tố tụng hình sự để tăng cường cho tính hợp pháp của thủ tục liên quan đến chứng minh, chứng cứ trong tố tụng hình sự theo đúng tinh thần trình tự thủ tục tố tụng công bằng. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chuyển tải những giá trị đó vào thủ tục tố tụng hình sự Việt Nam nếu chúng ta muốn tiếp tục cải cách và đưa cải cách tư pháp đi vào chiều sâu.

(*) Viện Nhà nước và Pháp luật

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài gòn

No comments:

Post a Comment